Để tránh bị quân Đồng minh tấn công, gần 1.000 lính phát xít Nhật quyết băng qua đầm lầy trên đảo Ramree mà không ngờ rằng thảm họa đang chờ đón phía trước.
Lính Nhật hành quân trong một trận chiến hồi Thế chiến II. Ảnh: Wikipedia |
Những tháng đầu tiên của năm 1945, hòn đảo Ramree nằm trên vịnh Bengal ngoài khơi Myanmar là địa điểm diễn ra cuộc chiến đẫm máu giữa quân đội phát xít Nhật đồn trú và quân Đồng minh, theo Mysteriousuniverse.
Trận chiến Ramree là một phần trong Chiến dịch Myanmar của phe Đồng minh trong Thế chiến II với mục đích đánh bật các đơn vị đế quốc Nhật ra khỏi hòn đảo bị họ chiếm đóng từ năm 1942.
Ngày 26/1/1945, các đơn vị thủy quân lục chiến hoàng gia Anh (BRM) phối hợp cùng lữ đoàn bộ binh số 36 của Ấn Độ mở cuộc tấn công quy mô lớn lên đảo nhằm thiết lập một căn cứ không quân tại đây. Họ vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Nhật và giao tranh diễn ra rất ác liệt.
Sau một trận chiến đẫm máu kéo dài, quân Đồng minh đã chiếm được thế thượng phong, đánh thọc sườn vào một căn cứ của một trung đoàn bộ binh Nhật, buộc khoảng 1000 quân phát xít phải tháo chạy. Do quân Anh tấn công dồn dập từ tất cả mọi hướng, lính Nhật quyết định đi tắt qua khu vực đầm lầy ngập nước dài 16 km ở giữa đảo để hội quân với lực lượng ở phía bên kia, phớt lờ mọi lời kêu gọi hàng của quân Anh. Và quyết định liều lĩnh này chính là khởi đầu một thảm kịch khủng khiếp khiến cả trung đoàn này bị xóa sổ.
Tốc độ hành quân của lính Nhật ngày càng chậm dần bởi lớp bùn dày đặc của đầm lầy cản trở họ tiến lên phía trước. Ngoài ra, rất nhiều người trong số họ bắt đầu trở thành nạn nhân của muỗi và những loài nhện, rắn, bò cạp kịch độc ẩn mình trong những bụi cây trong đầm lầy. Suốt hành trình kéo dài vài ngày băng qua vùng đầm lầy này, đói và khát cũng là mối đe dọa họ rất thực tế, chưa kể những quả đạn pháo của quân Anh bố trí trên bờ xung quanh đầm lầy thi thoảng nã vào.
Đây mới chỉ là màn dạo đầu của cơn ác mộng kinh hoàng thực sự đang chờ đón quân đội phát xít Nhật. Một buổi tối nọ, một nhóm quân Anh đang tuần tra quanh đầm lầy báo cáo họ nghe thấy những tiếng la thất thanh và tiếng súng nổ trong đêm tối.
Họ nhanh chóng nhận thấy nó phát ra từ khu đầm lầy tối đen, giống như quân Nhật đang bị tàn sát bởi một loài ác thú. Nghe những tiếng la hét thê thảm đó, lính Anh co rúm người vì sợ hãi, dù những tiếng kêu gào kinh hoàng kia đang phát ra từ phía kẻ thù của họ.
Trung đoàn phát xít Nhật đã không gặp may, bởi các vùng đầm lầy trên đảo Ramree là nơi cư ngụ của vô số những con cá sấu nước mặn siêu lớn. Những con cá sấu này khi trưởng thành dài 6,09 m và nặng hơn một tấn. Những người lính mệt mỏi với những vết thương rỉ máu tanh nồng giữa đầm lầy chẳng khác gì mồi ngon đang chờ đợi chúng.
Họ đã bị những con quái vật bò sát khổng lồ này tấn công và tàn sát không thương tiếc. Những người sống sót sau đó kể lại giây phút loài động vật hung dữ vùng đầm lầy bất ngờ tấn công họ, còn những người lính trong cơn hoảng loạn chỉ biết bắn loạn xạ về mọi hướng.
Đầm lầy trên đảo Ramree là nơi cư ngụ của nhiều cá sấu nước mặn. Ảnh minh họa: Nature |
Một số báo cáo từ những người sống sót mô tả những con cá sấu bất thình lình lao lên từ đầm lầy, ngoạm lấy những người lính đang la hét và kéo tuột họ xuống bùn. Thảm kịch này đã được nhà tự nhiên học Bruce Stanley Wright, một người lính Anh tham gia trận chiến đó, mô tả trong cuốn "Phác họa Cuộc sống Hoang dã Gần và Xa" xuất bản năm 1962.
"Đó là đêm kinh hoàng nhất mà các thành viên đội chúng tôi từng trải qua. Những con cá sấu bị đánh thức bởi những tiếng súng và mùi tanh của máu, tụ tập xung quanh những cây đước, lặng lẽ bơi về phía con mồi. Theo từng cơn sóng thủy triều, những con cá sấu lao tới đám lính đang bị thương, bị chết và cả những người khỏe mạnh đang mắc kẹt trong bùn lầy", Wright mô tả.
Tiếng súng thưa dần trong đêm tối, và những tiếng la hét cũng dần bị lấn át bởi âm thanh đáng sợ phát ra từ hàm răng đang ngấu nghiến của loài bò sát khổng lồ. Khi bình minh lên, những con kền kền bu kín bầu trời để dọn nốt những gì lũ cá sấu để lại. Trong số 1.000 lính Nhật tiến vào khu đầm lầy trên đảo Ramree, chỉ có khoảng 20 người sống sót thoát được ra ngoài.
Cho đến nay, câu chuyện của Wright là những dữ liệu lịch sử duy nhất còn lưu lại về thảm kịch trên đảo Ramree. Một số nhà sử học và sinh vật học tỏ ra hoài nghi về câu chuyện trên, nhưng họ không thể thu thập được các dữ liệu để bác bỏ, và đến nay, trận chiến trên đảo Ramree vẫn được ghi nhận là biến cố "có nhiều nạn nhân nhất trong một cuộc tấn công của cá sấu".
Câu chuyện rùng rợn trên đảo Ramree đã trở thành một truyền thuyết của Thế chiến II. Giờ đây, đảo Ramree là một nơi yên bình, nhưng những con cá sấu vẫn còn ở đó, như nhắc nhở con người về sự tàn khốc của chiến tranh và sự khắc nghiệt của tự nhiên.
Theo Duy Sơn (VnExpress.net)