AP hôm qua dẫn nguồn tin giấu tên cho hay vào tháng 8/2017, tại Phòng Bầu Dục, Trump đã khiến các quan chức hàng đầu sửng sốt khi hỏi tại sao Mỹ không can thiệp để lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro. Ông cho rằng bất ổn chính trị và kinh tế của Venezuela đang gây nguy hiểm cho khu vực.
Đề nghị trên gây choáng váng cho những người tham dự cuộc họp, bao gồm cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster và Ngoại trưởng khi đó là Rex Tillerson. Cả hai người này đều đã rời khỏi chính quyền Trump.
"Chúng ta có quân đội khắp thế giới, ở cả những nơi rất xa. Venezuela không quá xa. Con người ở đó đang khốn khổ và chết mòn. Chúng ta có nhiều phương án cho Venezuela, bao gồm cả các biện pháp quân sự nếu cần thiết", Trump tiếp tục đề xuất vào ngày hôm sau.
Các trợ lý hàng đầu của Trump được cho là phải thay phiên nhau khuyên giải để ông từ bỏ ý tưởng đó. Họ cho rằng bất cứ hành động quân sự nào nhằm vào Venezuala cũng sẽ khiến các đồng minh Mỹ Latinh xa lánh Mỹ dù đang ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Washington đối với chính quyền của Maduro.
Tuy nhiên, lời khuyên của các trợ lý dường như không lay chuyển được suy nghĩ của Trump. Nhiều tuần sau, ông vẫn bận tâm với ý tưởng "xâm lược" Venezuela. Ông đã nói dự định đó với Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và với một số lãnh đạo của các nước đồng minh Mỹ Latinh.
Cuối cùng, ông McMaster đã thành công trong việc thuyết phục Trump về sự nguy hiểm của một cuộc xâm lược.
Mối quan hệ Mỹ - Venezuela căng thẳng kể từ khi cựu tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền vào năm 1999. Tổng thống đương nhiệm Maduro thường xuyên cáo buộc Mỹ cố tình gây bất ổn cho nước này để chiếm nguồn dầu mỏ. Năm 2017, Venezuela đối mặt với nhiều khó khăn cả về chính trị và kinh tế. Các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra khi đời sống của người dân ngày càng khốn khó.
Sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 5, trong đó ông Maduro đắc cử với tỷ lệ áp đảo, Venezuela chịu đựng thêm các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Washington gọi cuộc bầu cử này là "giả tạo và bất hợp pháp".
Theo Phạm Khánh (VnExpress.net)