Quyết định của Trump sa thải giám đốc FBI được liên tưởng tới bê bối Watergate khiến tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức cách đây hơn 40 năm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua gây chấn động khắp Washington khi bất ngờ sa thải giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, dường như vì việc xử lý cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Theo New York Times, trong bức thư gửi người đứng đầu FBI, ông Trump nhắc tới chuyện ông Comey từng ba lần khẳng định rằng Tổng thống Mỹ không bị điều tra. Tuy nhiên, ông Comey sau đấy lại công khai tuyên bố rằng FBI đang điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ hồi năm ngoái cũng như các mối liên hệ có thể giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Moscow.
Kể từ sau bê bối Watergate, đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ sa thải người dẫn dắt cuộc điều tra có liên quan đến chính ông. Quyết định "trảm" ông trùm FBI khiến nhiều người liên tưởng tới quyết định của cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon sa thải Archibald Cox, công tố viên đặc biệt chịu trách nhiệm điều tra vụ đột nhập văn phòng Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) bên trong tòa nhà Watergate ngày 17/6/1972.
James Comey tuyên bố FBI điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ |
Bóng ma Watergate
Vụ Watergate là một bê bối trên chính trường Mỹ, diễn ra từ năm 1972 đến năm 1974. Các thân tín bên cạnh tổng thống Nixon, cùng ủy ban vận động bầu cử cho ông bị cáo buộc tổ chức vụ đột nhập vào văn phòng DNC nhằm nghe lén đối thủ đảng Dân chủ. Cuộc điều tra vụ Watergate cuối cùng dẫn tới việc ông Nixon phải tuyên bố từ chức ngày 9/8/1974.
Dù Tổng thống Mỹ Trump nhấn mạnh ông hành động dựa trên sự cố vấn từ Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, giới quan sát vẫn hoài nghi liệu cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ có bất kỳ tác động nào đến quyết định sa thải giám đốc FBI hay không.
"Comey là điều tuyệt vời nhất đối với Hillary Clinton bởi ông ta đã mở lối thoát cho bà ấy trước hàng loạt việc làm tồi tệ", Trump hồi tuần trước viết trên mạng xã hội Twitter.
Cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon. Ảnh: New York Times |
Một số người Dân chủ ngay lập tức liên hệ quyết định của Trump với vụ Watergate cách đây hơn 4 thập kỷ, đồng thời kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và những mối liên hệ giữa ông Trump với Moscow trong quãng thời gian chạy đua vào Nhà Trắng.
"Từ sau vụ Watergate, hệ thống pháp lý của ta chưa bao giờ bị đe dọa nghiêm trọng đến thế và niềm tin của chúng ta đặt vào sự toàn vẹn và độc lập của hệ thống cũng chưa bao giờ bị chấn động đến thế", thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal bình luận.
Richard Painter, luật sư về các vấn đề đạo đức dưới thời tổng thống Mỹ George W. Bush, nhận xét động thái Trump sa thải giám đốc FBI rõ ràng là hành vi lạm dụng quyền lực.
"Chúng ta không thể chấp nhận việc tổng thống sa thải những người đang điều tra ông ấy và chiến dịch tranh cử của ông ấy", Painter nói. "Điều này còn tồi tệ hơn cả vụ Watergate".
Sau bê bối Watergate, các tổng thống Mỹ hạn chế tối đa đưa ra những quyết định nhắm vào các giám đốc FBI, bất kể họ gây thất vọng như thế nào. Việc tổng thống Mỹ Bill Clinton sa thải giám đốc FBI William S. Sessions hồi năm 1993 vì vấn đề đạo đức là trường hợp ngoại lệ duy nhất. Louis J. Freeh, người kế nhiệm Sessions, thậm chí còn gây ra nhiều rắc rối hơn cho Clinton khi ông này giúp luật sư độc lập Kenneth W. Starr điều tra tổng thống. Tuy nhiên, ông Clinton không dám sa thải ông Freeh vì lo sợ những hệ quả chính trị có thể xảy ra.
Dưới thời tổng thống Mỹ George W. Bush, giám đốc FBI Robert S. Mueller III từng đe dọa từ chức nếu một chương trình giám sát bí mật mà ông coi là bất hợp pháp vẫn được duy trì. Ông Bush lúc bấy giờ đã phải nhượng bộ để tránh rắc rối.
Ông Archibald Cox, công tố viên đặc biệt phụ trách điều tra vụ Watergate, trả lời báo giới bên ngoài tòa án quận ở Washington hồi tháng 10/1973. Ảnh: AP |
Timothy Naftali, cựu giám đốc thư viện tổng thống Richard M. Nixon, cho rằng việc Trump sa thải Comey không hoàn toàn giống với việc cựu tổng thống Nixon sa thải công tố viên Cox bởi Comey không được đặc biệt chỉ định điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
"Dù có hay không có Comey, FBI vẫn tiếp tục điều tra chiến dịch tranh cử năm 2016 vì nó liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ", Naftali nói. "Đây là một sai lầm khác. Nếu Bộ trưởng Tư pháp Sessions không thể chứng minh ông Comey có hành vi sai trai hay tắc trách, hành động này sẽ chỉ đào sâu thêm những mối ngờ vực rằng Tổng thống Trump đang cố che đậy điều gì đó".
Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)