Trump muốn Hàn Quốc trả 1 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa

28/04/2017 17:57:00

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết ông muốn Hàn Quốc trả tiền cho hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà nước này đang triển khai tại Seoul.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết ông muốn Hàn Quốc trả tiền cho hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà nước này đang triển khai tại Seoul.

Trong khi đó, bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ không có sự thay đổi nào trong thỏa thuận giữa hai nước, Seoul cung cấp địa điểm để triển khai THAAD còn Mỹ sẽ chi trả chi phí lắp đặt và vận hành hệ thống này.

Trump muon Han Quoc tra 1 ty USD cho he thong phong thu ten lua hinh anh 1

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo. Hệ thống được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối của chuyến bay. 

Cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của ứng viên tổng thống Hàn Quốc Moon Jea In cho hay đề nghị của Trump "không khả thi" vì Washington mới là bên vận hành hệ thống.

Quân đội Mỹ triển khai THAAD vào đầu tháng 3, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Ứng viên sáng giá cho vị trí tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In kêu gọi hoãn việc triển khai hệ thống này cho đến khi chính quyền mới được thành lập. 

Ngày 26/4, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD mà Washington đặt tại Hàn Quốc sẽ vận hành "trong vài ngày tới" nhằm bảo vệ Hàn Quốc tốt hơn trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.

Một cựu quan chức bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên ước tính THAAD có giá 1,2 tỷ USD và cho biết Mỹ không muốn bán hệ thống này cho Seoul.

“Chúng tôi muốn giữ THAAD cũng như tất cả vũ khí khác mà Mỹ từng triển khai ở bán đảo Triều Tiên trong kho vũ khí của mình. Mỹ sở hữu, bố trí và có quyền tái sử dụng chúng”, quan chức trên nói. 

Cũng trong cuộc phỏng vấn nói trên, ông Trump cho rằng thỏa thuận thương mại KORUS kéo dài 5 năm qua với Hàn Quốc là thỏa thuận “kinh khủng” và “không thể chấp nhận”.

“Chúng tôi sẽ đàm phán lại hoặc chấm dứt nó”, ông nói. Thỏa thuận này dự kiến sẽ được tái xem xét sau khi chính quyền của ông Trump đàm phán lại các điều khoản trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico.

KORUS là thỏa thuận thương mại do cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xúc tiến và được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2011. Theo số liệu thống kê của Mỹ, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Hàn Quốc đã tăng gấp đôi kể từ khi KORUS có hiệu lực vào tháng 3/2012, từ 13,2 tỷ USD trong năm 2011 đến 27,7 tỷ USD trong năm 2016. 

Theo M.Anh (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật