PV cho hay Nghi phạm Boonchai Bach, còn được biết đến với tên khác là Bach Văn Minh, bị bắt vào tối 19/1 với cáo buộc liên quan đến vụ buôn lậu 14 sừng tê trị giá khoảng 1 triệu USD từ châu Phi vào Thái Lan hồi tháng 12.
Trong nhiều năm qua, Boonchai Bach và anh trai Bach Van Limh đã được xác định là những "trùm" buôn bán động vật hoang dã trái phép lớn tại châu Á, theo điều tra của Guardian. Tuy nhiên, "anh em Bach" được cho là "không thể đụng tới" dù hoạt động công khai với các phi vụ hàng triệu USD.
Vụ bắt giữ diễn ra sau khi cảnh sát Thái Lan bắt quả tang Nikorn Wongprachan, một quan chức của Cơ quan Bảo tồn Hoang dã và Vườn quốc gia nước này, cố đưa số sừng tê giác nói trên từ khu vực cách ly ở sân bay chính Suvarnabhumi đến một căn hộ gần đó.
Số sừng này được đưa về Bangkok bởi một người đàn ông Trung Quốc. Người này cũng đã bị bắt giữ tại sân bay một ngày trước sau khi bay về từ Johannesburg, Nam Phi. Boonchai được cho là người chi tiền cho đường dây này.
"Đây là băng nhóm buôn lậu lớn và Boonchai là kẻ cầm đầu", phó giám đốc Cảnh sát Quốc gia Thái Lan Chalermkiat Srivorakan nói với báo giới hôm 20/1 sau khi nghi phạm được áp giải đến Bangkok.
"Boonchai đã thừa nhận anh ta có liên quan", ông Chalermkiat nói thêm, đồng thời cho biết nghi phạm phải đối diện với mức án lên đến 4 năm tù vì tội buôn lậu các bộ phận của động vật được bảo vệ.
Theo PV, Boonchai và gia tộc Bach đã hoạt động ngang nhiên tại "căn cứ" đóng tại tỉnh Nakhon Phanom ở vùng đông bắc Thái Lan giáp Lào. Địa điểm này được xem có vị trí chiến lược trong đường dây buôn lậu động vật hoang dã từ Thái Lan qua Lào và Việt Nam.
Freeland, một tổ chức chống buôn lậu hợp tác chặt chẽ với cảnh sát Thái, cho hay gia tộc Bach là một phần của tổ chức tội phạm "Hydra" có phạm vi hoạt động trải khắp Đông Nam Á. Anh em Boonchai cũng được cho là hoạt động bên cạnh Vixay Keosavang, công dân Lào được mệnh danh là "Pablo Escobar của giới buôn động vật".
Trung Quốc và Việt Nam là hai trong số những thị trường lớn nhất thế giới về các bộ phận của động vật được bảo vệ hay có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm hổ, voi, tê giác và tê tê.
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)