Bất luận ai muốn được đề bạt, bổ nhiệm đều phải qua "cửa ải chính trị, liêm khiết" của cơ quan Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc.
Mới đây, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã đăng tải toàn văn bài phát biểu của Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) Vương Kỳ Sơn tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 CCDI đảng cộng sản Trung Quốc khóa 18.
Đáng chú ý, trong bài phát biểu, Vương Kỳ Sơn đã yêu cầu các cơ quan ủy ban kiểm tra kỷ luật các cấp cần "nghiêm túc chấp hành hành kỷ luật" trong quá trình chuyển giao quyền lực trước Đại hội 19 ĐCSTQ và đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong 7 nhiệm vụ chính của cơ quan quyền lực nhất Trung Quốc này.
Bên cạnh đó, Bí thư Vương còn đặc biệt nhấn mạnh rằng, CCDI có "một phiếu phủ quyết về vấn đề chính trị".
Theo đó, nếu phát hiện ra "vấn đề" trong quá trình điều động nhân sự, CCDI sẽ có "quyền phủ quyết" với việc bổ nhiệm đó.
Giới phân tích nhận định, kể từ khi "thế hệ lãnh đạo thứ năm" Trung Quốc lên nắm quyền, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến chống tham nhũng, "đả hổ đập ruồi", quyền lực của CCDI ngày càng được nâng cao.
Và "lá phiếu phủ quyết" trong việc bổ nhiệm nhân sự các cấp là tiền lệ đặc biệt, chưa từng xảy ra trên chính trường Trung Quốc.
Một số ý kiến cho rằng, "công trình nhân sự" quan trọng nhất của quá trình chuyển giao trước thềm Đại hội 19 chính là lựa chọn ra hơn 2.000 đại biểu, sau đó lại từ đội ngũ này chọn lọc, bầu ra các thành viên tham gia vào các ủy ban cấp cao như Ủy ban trung ương đảng, CCDI hay Bộ chính trị.
Điều đặc biệt, bất luận ai muốn được đề bạt, bổ nhiệm đều phải qua "cửa ải chính trị, liêm khiết" của cơ quan CCDI.
Đây cũng được coi là yêu cầu chính trị hàng đầu đối với đội ngũ cán bộ cao cấp sau Đại hội 19 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giới chuyên gia bình luận, nắm trong tay "lá phiếu phủ quyết" trong vấn đề bổ nhiệm nhân sự cùng với việc có thể sẽ trở thành người đứng đầu "cơ quan quyền lực thứ tư" - Ủy ban giám sát cải cách quốc gia - cho thấy quyền lực chắn chắn cũng như "vị thế khó ai có thể thay thế" của Vương Kỳ Sơn trên chính trường Trung Quốc.
Điều này cũng có thể là tiền đề, tạo bước đệm giúp Vương có thể tiếp tục được bổ nhiệm sau Đại hội 19.
"Kinh nghiệm và sức ảnh hưởng của Vương Kỳ Sơn trong 4 năm chống tham nhũng chính là điểm tựa cho Chủ tịch Tập Cận Bình nên Vương có thể sẽ không "về hưu" sau Đại hội 19", chuyên gia kinh tế chính trị Trình Hiểu Nông bình luận.
Theo Thuỷ Thu (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)