Triều Tiên sẽ là vấn đề nổi bật khi Tổng thống Nga Putin bắt đầu cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Á ngày 10/9 với mục đích sắp xếp lại quan hệ ngoại giao trong khu vực châu Á vốn đang giảm dần sự quan tâm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một tuần trước khi Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần 3 diễn ra ở Bình Nhưỡng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon sẽ gặp nhau ở Vladivostok trong một diễn đàn kinh tế được tổ chức từ ngày 11 - 13/9.
Sự kiện được tổ chức ở thành phố phía đông của Nga này biểu tượng cho sự thúc đẩy quan hệ ngoại giao và kinh tế chặt chẽ hơn giữa Moscow với các nước châu Á trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang rơi vào khủng hoảng.
Diễn đàn này cũng là dịp để Kremlin thảo luận về sự nối lại quan hệ giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un với những chủ thể chủ chốt trong khu vực châu Á.
Theo nhận định của một quan chức Nga vào cuối tuần trước, ông Kim Jong Un cũng được mời tham dự diễn đàn Vladivostok nhưng ông sẽ không tới.
Thủ tướng Nhật Bản Abe sẽ gặp ông Putin tối 10/9 để thảo luận về việc "thúc đẩy hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại" đồng thời "trao đổi quan điểm về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên", cố vấn Tổng thống Nga - ông Yuri Ushakov cho biết.
Ông Putin cũng sẽ có một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 11/9 - đây là cuộc gặp lần thứ 3 trong năm nay giữa hai nhà lãnh đạo và một cuộc gặp nữa với Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon ngày 12/9.
Nga và Trung Quốc đều có biên giới trên đất liền, giáp với Triều Tiên và là đồng minh của quốc gia này trong chiến tranh Triều Tiên những năm 1950. Hai nước đều ủng hộ phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và tuân theo các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng nhưng cả hai quốc gia này đều bác bỏ các đe dọa quân sự mà Tổng thống Trump đưa ra năm 2017.
Một tuần sau khi các nhà lãnh đạo châu Á gặp ông Putin, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng từ ngày 18 - 20/9.
Seoul hiện đang tìm kiếm sự đột phá về ngoại giao sau Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong Un hồi tháng 7/2018 tại Singapore. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã đạt được một thỏa thuận về "phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên” nhưng không có lịch trình và các chi tiết cụ thể.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, các cuộc đàm phán ngoại giao giữa hai quốc gia dường như chững lại. Hồi tháng 8/2018, ông Trump đã hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Nếu Hàn Quốc chọn bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên dù Washington "lạnh nhạt" với vấn đề này, Seoul sẽ cần sự ủng hộ về mặt ngoại giao trong khu vực, nhà phân tích chính trị Fyodor Lukyanov nhận định.
Ông Fyodor Lukyanov cũng cho biết thêm, cho dù Moscow chưa bao giờ đóng vai trò chủ đạo trong vấn đề này nhưng "đây là khu vực Nga sẽ có vai trò trung tâm".
Không giống như Trung Quốc, Nga không đưa ra bất kỳ trợ giúp tài chính nào cho Bình Nhưỡng trong hơn 30 năm nay và sự ủng hộ của Moscow với Triều Tiên "hoàn toàn mang tính biểu tượng". Do đó, Nga không có quyền lực thực sự để tạo ảnh hưởng tại quốc gia này.
Từ đầu năm 2018, ông Kim Jong Un đã 3 lần thăm Trung Quốc, 1 lần gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, 2 lần gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và "chưa gặp ông Putin một lần nào", ông Lankov cho biết.
Khác với cha của mình - chủ tịch Kim Jong-il, ông Kim Jong Un chưa bao giờ tới Nga.
Dù sớm hay muộn, ông Kim cũng sẽ tới Nga nhưng "giống như Tổng thống Trump, ông Kim thích những hiệu ứng mạnh mẽ và ông ấy sẽ quan sát khi nào thì chuyến thăm của ông ấy sẽ tạo nên tác động lớn nhất có thể", nhà phân tích Lankov nhận định.
Theo Kiều Anh (Vov.vn)