Mafia Ý: Khi gia đình chỉ là "mặt sấp" của đồng xu mang tên "xã hội đen"
Mafia (còn có tên Cosa Nostra) là một tổ chức tội phạm bí mật của người Sicilia được hình thành vào giữa thế kỉ 19 tại vùng đảo Sicilia thuộc Ý. Một trong những bộ phận hậu duệ của nó xuất hiện ở vùng ven biển miền đông Hoa Kỳ và Úc, được du nhập cùng với làn sóng di cư của người Sicilia và các cư dân khác thuộc miền nam của Ý. Ở Bắc Mỹ, Mafia dùng để chỉ các tổ chức tội phạm của Ý nói chung, chứ không hẳn là chỉ giới tội phạm của riêng cộng đồng Sicilia.
Cosa Nostra là một liên minh không chặt chẽ của hàng trăm nhóm Mafia, còn được gọi là nhánh hay gia đình. Mỗi tổ chức này có quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ riêng, thường là một thị trấn, một làng hay một vùng của một thành phố lớn và thường không có nhiều các hoạt động xâm lấn hay bạo lực giữa các địa bàn hoạt động của nhau. Qua thời gian cơ cấu tổ chức của các gia đình hình thành nên dạng liên minh vừa giữ quyền lực trung tâm vừa có các tổ chức bộ phận và Cosa Nostra được hình thành từ cuối những năm 1950. Dù trải rộng trong đất nước hay phân bố ở nhiều nơi ở khắp các quốc gia, tuy nhiên Mafia Ý vẫn có những tôn chỉ mà các thành viên luôn tuyệt đối trung thành khi thực hiện.
1.Mafia không cho con cái biết về nghề nghiệp thực sự của họ
Các gia đình mafia thường che giấu sự thật về nghề nghiệp của họ càng lâu càng tốt. Họ có rất nhiều bí mật. Phần lớn trẻ em trong các gia đình này tin rằng bản thân họ lớn lên trong những ngôi nhà bình thường, nơi bố chúng làm những công việc bình thường và mẹ là người chăm sóc nhà cửa và con cái.
2.Vợ của mafia sẽ không được phép ly dị chồng
Mafia là một tổ chức tội phạm do nam giới thống trị và điều này có nghĩa là những người phụ nữ làm vợ của mafia phải hoàn thành vai trò người vợ mẫu mực theo chuẩn truyền thống: Chăm sóc nhà cửa và con cái. Thế giới mafia có những quy tắc rất tàn bạo. Các bà vợ của mafia cố gắng thoát ra đều bị trừng phạt. Họ bị thu hồi các khoản trợ cấp cho con cái và bị đe dọa, đánh đập và phải trốn tránh những người chồng cũ là mafia. Khi phụ nữ chạy trốn khỏi thế giới mafia, họ và những đứa con thường có một cuộc sống rất khổ sở.
3.Con gái của mafia không được phép điều hành tổ chức tội phạm
Việc tiếp quản công việc của tổ chức mafia chỉ dành cho con trai vì thế giới tội phạm này hoạt động theo chế độ phụ hệ. Điều này có nghĩa là đàn ông nắm quyền lực và phụ nữ là người phục vụ họ, hơn là điều hành tổ chức. Theo Lana Zancocchio, con gái của mafia Anthony Graziano, người có liên quan đến gia đình tội phạm Bonanno của New York (Mỹ), con gái của các gia đình mafia không thể tham gia vào tội phạm có tổ chức. Hơn nữa, họ buộc phải sống theo cách mà bố yêu cầu. Bố cô là người quyết định việc Lana sẽ chơi với ai và cưới người nào.
Ngoài ra còn có nhiều điều luật khác mà tùy hoàn cảnh của từng địa phương hay nước sở tại, các nhóm mafia Ý sẽ đưa ra một số điều luật cụ thể để thành viên của mình thực hiện. Tuy nhiên đây Mafia Ý hay Cosa Nostra không phải là một tổ chức hợp pháp và các hoạt động của họ đều bị coi là vi phạm pháp luật.
Yakuza Nhật Bản: Máu lạnh, nhưng phải "trượng nghĩa"
Yakuza, băng nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất Nhật Bản với hàng trăm nghìn thành viên vẫn tồn tại trong xã hội Nhật như một nét văn hóa không thể tách rời. Một phần lí do khiến Yakuza không biến mất, chính là bởi những quy tắc ứng xử buộc các thành viên khác phải tuân theo, trong đó đáng chú ý nhất là tránh các hành động cướp bóc, trấn lột, ăn trộm, tấn công tình dục và buôn bán ma túy. Những quy tắc ngầm này đôi khi được in thành luật lệ gắn lên văn phòng đại diện của mỗi băng đảng Yakuza, buộc các tay chân phải tuân thủ.
1.Không trộm cắp hay buôn bán ma túy
Yakuza cấm các thành viên buôn bán hoặc sử dụng ma túy vì mafia Nhật tin rằng, mỗi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Hút thuốc phiện làm ngắn tuổi thọ người sử dụng và điều này làm mất quyền bình đẳng của họ. Với cách lập luận tương tự, trộm cắp cũng là hạng mục được ghi chú đầu tiên trong quy tắc ứng xử của Yakuza. Khi một người bị ăn trộm, kế sinh nhai và tài sản của anh ta bị mất, điều này ảnh hưởng tới quyền bình đẳng. Trộm cắp từ cộng đồng còn đáng lên án hơn và nhiều Yakuza từng bị xử tử vì hành vi này.
2.Không hiếp dâm hay quấy rối tình dục
Với tội trạng hiếp dâm, đây là nỗi ô nhục lớn nhất của Yakuza. Kẻ phạm tội có thể bị chặt ngón út và sa thải khỏi băng đảng. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến nếu hắn thực hiện hành vi phạm tội lên một thành viên hoặc gia đình Yakuza khác. Cái chết là điều chờ sẵn với kẻ thủ ác.
3.Xăm mình
Quy tắc ngầm thế giới Yakuza còn bắt buộc các thành viên phải xăm mình. Nếu như trước đây, xăm chỉ dành cho những ông trùm mafia giàu có và nhiều thời gian thì nay với công nghệ xăm máy hiện đại, thành viên các băng đảng đủ khả năng “tậu” cho mình những hình ảnh uy dũng. Mỗi băng đảng Yakuza có một biểu tượng riêng và hình xăm giúp phân biệt giữa các nhóm với nhau.
Điều quan trọng nhất ngoài tính xác định các nhóm Yakuza với nhau, hình xăm được coi như bản án tử cho mỗi thành viên tìm cách hoàn lương. Với hình xăm chi chít từ cổ xuống mắt cá chân, không tổ chức, công ty nào dám thuê những nhân viên hầm hố và có quá khứ dính chàm như vậy.
Ngoài ra còn có những quy định bắt buộc khác đối với các thành viên của Yakuza mà tiêu biểu nhất là quy định chặt ngón tay út: nghi lễ được coi là cách thức để các thành viên xin lỗi ông trùm của mình và khẳng định lòng trung thành tuyệt đối với băng đảng. Dù có thể có nhiều quy định được coi là trượng nghĩa nhưng cũng giống như Mafia Ý, Yakuza Nhật Bản vẫn bị coi là một tổ chức tội phạm ngoài vòng pháp luật ở Nhật Bản.
Cuối những năm 1980, Yakuza chịu trách nhiệm về 30% các vụ giết người tại Nhật Bản. Tới nay, theo thống kê, 15% trong tổng số các vụ giết người tại đất nước mặt trời mọc là do những kẻ sống ngoài vòng pháp luật này thực hiện. Nạn nhân chủ yếu của các băng đảng là dân thường.
Nhiều người Nhật cho rằng, hào quang trong quá khứ của Yakuza đang dần biến mất. Họ không còn là những người hào hiệp xưa kia mà chỉ là một thế lực chống lại xã hội. Nhiều đạo luật mới ra đời nhằm quản lý và hạn chế sức mạnh của những kẻ xã hội đen này.
Hội Tam Hoàng và bí ẩn “kinh thiên động địa”
Là một trong những tổ chức tội phạm khét tiếng nhất thế giới, Tam Hoàng là một trong những băng đảng tội phạm lớn có địa bàn hoạt động chủ yếu ở Hồng Kông và một loạt “chân rết” khác bành trướng khắp nơi trên thế giới.
Với đủ các ngành nghề hoạt động, chủ yếu là từ buôn lậu vũ khí đến tống tiền, mại dâm, bắt cóc, tổ chức vượt biên bất hợp pháp, làm hàng giả, cho vay nặng lãi, cờ bạc...Tam Hoàng đã trở thành cái tên mà bất kỳ tổ chức tội phạm ghê gớm khác trên thế giới cũng phải kính nể. Tuy nhiên, rất ít người biết đến gốc rễ của việc hình thành tổ chức này lại bắt nguồn từ những ý tưởng tốt lành.
1.Được sáng lập bởi Thiếu lâm tự
Theo lịch sử của Trung Quốc ghi lại, nguồn gốc ra đời của hội Tam Hoàng bắt nguồn từ các vị sư chùa Thiếu Lâm từ thế kỷ thứ 17. Vào thời điểm đó, do bất mãn với chính phủ nhà Thanh do người Mãn Châu- một dân tộc thiểu số lãnh đạo Trung Quốc, các nhà sư vốn người gốc Hán tại ngôi chùa nổi tiếng này đã tụ họp thành phong trào phản kháng triều đình. Tuy nhiên, do hình thức này mang tính tự phát nên nó đã nhanh chóng bị triều đình nhà Thanh khi đó dẹp bỏ.
Thời đó, tôn chỉ hoạt động của hội Tam Hoàng hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực. Ngay ở cái tên hội Tam Hoàng, các nhà sư ở chùa thiếu lâm khi đó cũng muốn có một cái tên chứa đựng những triết lý sâu xa của nhà Phật. Theo âm Hán Việt, hội Tam Hoàng đọc thành Tam hợp hội. “Tam hợp” ở đây có nghĩa là sự kết hợp của 3 loại khí: âm khí, dương khí và thiên khí. Âm khí và dương khí khi kết hợp với nhau tạo thành một sức mạnh tổng hợp tạo nên sự tinh tế, hiểu biết, ôn hòa và bao dung của con người. Âm khí và dương khí của con người lại kết hợp với thiên khí của trời đất sẽ tạo nên một sức mạnh vô địch mà không một kẻ thù nào có thể khuất phục được.
2.Hoạt động phải thật bí mật, nhận diện nhau qua các hình xăm
Không giống như các tổ chức tội phạm thích bành trướng và khoe mẽ khác, điểm đặc biệt của hội Tam Hoàng là mọi hoạt động đều rất bí mật, chính vì thế hầu như có rất ít thông tin về tổ chức này lọt được ra ngoài. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, do bị chính quyền Trung Hoa khi đó trấn áp nên Tam Hoàng đã lùi về hoạt động chủ yếu tại Hồng Kông. Và từ đó, Hồng Kông trở thành căn cứ hoạt động rầm rộ nhất của tổ chức tội phạm này với khoảng 57 băng đảng con quy tụ ít nhất 200.000 "hội viên".
Paolo Duterte, con trai cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng từng bị tình nghi là thành viên của hội Tam Hoàng khi trên người cậu con trai này có một hình xăm rồng là dấu hiệu đặc thù của các thành viên Hội Tam Hoàng như vậy. Dẫu vậy, theo tờ Inquirer của Philippines dẫn một số nguồn tin giấu tên từng nhìn thấy hình xăm của ông Paolo nói rằng, đó không phải là một hình xăm rồng.
Thay vào đó, trên cơ thể của con trai Tổng thống Duterte mang hình xăm của Lão Tử, nhà triết học nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc và là người khai sinh ra Đạo giáo. Ngoài hình ảnh màu của Lão Tử, bên cạnh hình xăm có những dòng chữ bằng tiếng Trung: “Vang danh đất trời, sống không hổ thẹn”.
So với 2 tổ chức mafia nói trên, Tam Hoàng bị coi là tổ chức mafia "giang hồ" nhất. Chính phủ nhiều nước trên thế giới trong đó có Anh đã nhận định Tam Hoàng là băng nhóm tội phạm nguy hiểm. Những hoạt động phi pháp của tập đoàn xã hội đen này không những không bị xóa sổ theo thời gian, mà còn phát triển phủ rộng toàn thế giới, bao gồm nhiều loại hình: buôn bán ma túy, kinh doanh mại dâm, tổ chức bảo kê, bắt cóc, tổ chức vượt biên lậu, cờ bạc, kinh doanh băng đĩa lậu và nhiều hình thức lừa đảo khác...
Tại thời điểm hiện tại, buôn lậu ma túy chính là hoạt động mang tính quan trọng và thu nhiều lợi nhuận nhất cho Hội Tam hoàng, đặc biệt là buôn lậu hêrôin đang phát triển mạnh ở hầu hết các nước Tây Âu và Bắc Mỹ cũng như ở một số nước Đông Nam Á. Ngoài ra các hoạt động phi pháp khác như bảo kê, tống tiền, bắt cóc phụ nữ, trẻ em cũng đuợc những băng nhóm trong hội này khai thác một cách triệt để, miễn sao có thể kiếm được nhiều tiền.
QT (SHTT)