Nhiều phụ nữ Triều Tiên trốn chạy khỏi nước sang Trung Quốc nhưng rơi vào đường dây mua bán cô dâu, tiếp tục là nạn nhân của nạn buôn người, giờ đang kêu gọi quốc tế giúp đỡ để nhận lại con.
Đám đông chủ yếu là nam giới xem tiết mục múa cột tại một triển lãm ô tô ở Thiên Tân, Trung Quốc. Nạn buôn bán cô dâu nở rộ ở Trung Quốc do nước này mất cân đối về giới tính nghiêm trọng, khi tỉ lệ nam nhiều hơn nữ, nhất là ở vùng nông thôn |
Sau khi trốn khỏi Triều Tiên để tránh đói nghèo, Kim được một người lạ sắp xếp hôn nhân với một người nông dân Trung Quốc. Nhiều năm sống chung, cô bị người chồng hành hạ nhưng lo sợ bị cảnh sát bắt và trả lại Triều Tiên, cô phải trốn sang Hàn Quốc. Kim quyết định làm cuộc đào thoát, mạo hiểm một lần nữa nhưng phải để lại đứa con gái cho người chồng Trung Quốc.
"Trái tim tôi như bị xé nát", Kim, bí danh của người phụ nữ 35 tuổi, xúc động cho biết khi nhắc đến con gái 4 tuổi mà cô bỏ lại, theo AP ngày 25.9. Cô không nhìn thấy con mình kể từ ngày trốn sang Hàn Quốc, nơi cô có gia đình mới và 2 đứa con. Kim cũng không dám quay lại Trung Quốc để nhận con.
Những người như Kim khá nhiều và đang đau khổ vì bỏ rơi những đứa con mình sinh ra. AP cho biết 4 phụ nữ Triều Tiên đào tẩu như Kim sẽ bay sang Mỹ vào tháng 10.2016 để nhờ giúp đỡ nhận lại con.
Trung Quốc thờ ơ?
Các chuyên gia nói rằng chính quyền Trung Quốc không dễ chấp nhận lời thỉnh cầu của những phụ nữ Triều Tiên đào tẩu này vì họ là những “cư dân bất hợp pháp và hôn nhân của họ không được luật pháp công nhận”, vì vậy những nỗ lực đoàn tụ với con cái chỉ có thể được dàn xếp theo quan hệ cá nhân, không phải vấn đề nhân quyền cần có sự can thiệp của quốc tế.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời câu hỏi của AP về việc liệu có giúp những người phụ nữ Triều Tiên nói trên hay không. Những người đào tẩu nói rằng họ xứng đáng được quốc tế giúp đỡ vì họ là nạn nhân của “chế độ Bình Nhưỡng” và cả chính sách buộc phải hồi hương của Trung Quốc đối với người Triều Tiên bị phát hiện lẩn trốn ở đại lục.
|
Lính Triều Tiên tuần tra dọc biên giới Triều TIên - Trung Quốc |
"Có luật pháp ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng không ai có thể giúp chúng tôi", Kim Jung-ah, 40 tuổi, một người Triều Tiên đào tẩu đang sống ở Hàn Quốc và từng bỏ rơi con ở Trung Quốc, phát biểu. Giờ là một nhà hoạt động, bà sẽ cùng ba người phụ nữ khác đến Washington và New York từ ngày 8 đến 18.10 để nhờ Mỹ và Liên Hiệp Quốc giúp đỡ.
Vấn nạn buôn bán cô dâu
Thị trường mua bán cô dâu Triều Tiên sang Trung Quốc "nóng" lên sau khi Triều Tiên bị nạn đói hoành hành vào giữa những năm 1990 làm hàng trăm ngàn người chết. Trung Quốc có phụ nữ ít hơn đàn ông và sự mất cân đối giới tính đặc biệt nghiêm trọng này xảy ra phổ biến ở nông thôn, do phụ nữ trẻ thường đến các thành phố lớn kiếm cơ hội sống tốt hơn.
Mua bán cô dâu Triều Tiên giảm trong những năm gần đây, nhưng hàng ngàn phụ nữ Triều Tiên được cho là vẫn còn sống bất hợp pháp ở Trung Quốc, các nhà hoạt động chuyên về vấn đề Triều Tiên cho hay.
Trong những năm đầu, hầu hết phụ nữ Triều Tiên bị những kẻ buôn người lừa gạt và bị bắt cóc. Nhưng về sau, nhiều người tình nguyện bán mình vì tiền và để thoát thân, đồng thời tin rằng sống chung với đàn ông Trung Quốc sẽ an toàn hơn trước nguy cơ bị bắt và buộc hồi hương, Ahn Kyung-soo, một nhà hoạt động ở Seoul từng phỏng vấn nhiều người đào thoát, cho hay.
Sau khi đến Trung Quốc, nhiều phụ nữ bị đánh đập hay lạm dụng tình dục trước khi được bán cho đàn ông Trung Quốc để làm vợ.
Theo Minh Quang (Thanh Niên Online)