Trong buổi hẹn hò lần thứ hai hồi năm ngoái tại một nhà hàng ven biển, Kim Seo Yun trong trạng thái hơi say đã tiết lộ cho bạn trai người Hàn Quốc rằng mình đã trốn khỏi Triều Tiên hơn 10 năm trước.
Đây là điều đôi lúc khiến cô cảm thấy xấu hổ khi ở Hàn Quốc, người đào tẩu Triều Tiên thường xuyên phải đối mặt với nạn phân biệt đối xử.
Nửa kia của Kim, Lee Jeong Sup, ban đầu còn bông đùa rằng liệu cô có phải một gián điệp Triều Tiên không, nhưng sau đó anh cho rằng không có gì sai khi đến từ Triều Tiên.
Vào tháng 3, Lee cầu hôn Kim và hai người tổ chức đám cưới ở một khách sạn tại thủ đô Seoul vào tháng 6. Gia đình cô dâu Kim chắc chắn không thể tham dự vì vẫn còn ở Triều Tiên.
"Ở Hàn Quốc, chồng tôi là tất cả của tôi. Tôi không còn người thân nào cả. Anh ấy bảo tôi rằng vai trò của anh ấy không chỉ là người chồng mà còn sẽ cố gắng đối xử với tôi như cha mẹ. Bây giờ, tôi cảm thấy ổn định hơn nhiều", Kim chia sẻ.
Những câu chuyện tình yêu như trên đang ngày càng trở nên phổ biến ở Hàn Quốc.
Hơn 70% trong số 33.000 người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc là phụ nữ. Mặc dù không có thống kê chính thức về số phụ nữ đào tẩu từ Triều Tiên kết hôn với đàn ông Hàn Quốc, một cuộc điều tra do Chính phủ Hàn Quốc thực hiện vào năm 2019 với 3.000 người Triều Tiên đang sống tại nước này cho thấy 43% số phụ nữ đã kết hôn và chung sống với chồng người Hàn Quốc. Con số này năm 2011 là 19%.
Việc thích nghi với cuộc sống có nhịp độ nhanh như Hàn Quốc là một điều vô cùng khó khăn với phụ nữ Triều Tiên. Không chỉ vậy, họ còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, thành kiến và bị cô lập.
Một số người cho biết họ muốn kết hôn với đàn ông Hàn Quốc vì nghĩ rằng họ sẽ được chồng giúp định hướng cuộc sống mới.
"Tôi cảm thấy cuộc hôn nhân của mình đang giúp tôi hòa nhập với xã hội này sâu hơn mà không cần phải quá vất vả" - Hwang Yoo Jung, 37 tuổi, nói về cuộc hôn nhân giữa cô với một người đàn ông Hàn Quốc.
Số lượng các công ty mai mối chuyên kết đôi phụ nữ Triều Tiên với đàn ông Hàn Quốc ngày càng tăng nhanh. Hiện nay đã có 20-30 công ty đang hoạt động so với chỉ 2 công ty vào giữa những năm 2000.
"Tôi có cảm giác như mình đạt được thành tựu to lớn khi kết đôi thành công cho họ vì tôi cũng một mình đến đây và thấu hiểu nỗi vất vả của những người tị nạn khác. Tôi nghĩ mình đang tạo ra những cuộc đoàn tụ liên Triều nhỏ" - Kim Hae Rin, chủ một văn phòng mai mối ở Seoul, chia sẻ.
Nhiều phụ nữ bỏ trốn khỏi Triều Tiên tìm đến các công ty mai mối, thường do những người đào tẩu điều hành, để tìm chồng Hàn Quốc. Các công ty thường tính phí cho nam giới Hàn Quốc khoảng 2.520 USD cho vài buổi xem mắt trong một năm, còn phụ nữ hầu hết không bị tính phí.
Không có dịch vụ mai mối dành cho nam giới Triều Tiên đào tẩu. Những người này thường có xu hướng kết hôn với một số phụ nữ Triều Tiên khác hoặc sống một mình.
Kim Seo Yun, người điều hành một công ty mai mối khác có tên Unikorea, gặp chồng mình, Lee Jeong Sup, tại một bữa tối do bạn bè sắp xếp.
"Khi nói chuyện với cô ấy, tôi cảm thấy mình có thể phát triển một mối quan hệ đặc biệt. Việc cô ấy đến từ Triều Tiên không quan trọng. Tôi bảo với cô ấy rằng tôi không thấy có vấn đề gì, miễn là cô ấy chưa từng kết hôn, không có đứa con bí mật nào và không có tiền án" - anh Lee, 32 tuổi, hiện làm việc cho một công ty thực phẩm, chia sẻ với Hãng tin AP.
Tuy nhiên, dù có chung ngôn ngữ và cùng là một dân tộc, giữa họ vẫn tồn tại những khó khăn, khác biệt nhất định về lối sống cũng như văn hóa.
Lee cho hay anh thường phải hạn chế sử dụng những từ mượn tiếng Anh thông dụng tại Hàn Quốc mỗi khi nói chuyện với vợ. Còn Kim đôi khi khiến Lee khó chịu khi sử dụng tiếng lóng Triều Tiên mà anh không thể hiểu hết.
Hwang Yoo Jung cho biết cô thấy "rất rất hạnh phúc" khi chồng cô, Seo Min Seok, 39, tuổi, đưa cô tới gặp mặt bạn bè của anh, nơi mọi người hỏi rất nhiều chuyện liên quan đến Triều Tiên. Trong khi Seo không hay hỏi vợ về quá khứ của cô ở Triều Tiên.
Thỉnh thoảng, những ông chồng cũng trêu chọc vợ mình bằng những câu chuyện cười lấy chủ đề Triều Tiên.
So Yu Jin cho biết người chồng Hàn Quốc của cô thường trêu cô quyết đoán khi cô tự đưa ra quyết định liên quan đến gia đình mà không hỏi ý kiến chồng.
Ngoài ra, chồng của So Yu Jin vẫn thích đi chơi với bạn bè đến từ Triều Tiên của cô, những người mà anh ấy cho rằng thẳng thắn về cảm xúc của mình hơn là người Hàn Quốc.
Nhưng không phải cặp vợ chồng Hàn Quốc - Triều Tiên nào cũng đều có cái kết hạnh phúc.
Ahn Kyung Su, chuyên gia đến từ một viện tư nhân nghiên cứu các vấn đề sức khỏe ở Triều Tiên, cho biết một số phụ nữ trốn khỏi Triều Tiên từng chia sẻ với ông rằng những người chồng Hàn Quốc của họ thường coi thường và ngược đãi họ.
Đối với nhiều phụ nữ khác, việc phải xa gia đình ở Triều Tiên khiến họ không khỏi cảm thấy xót xa. Kim Seo Yun cho hay cô rất nhớ bố mẹ cùng em gái ở Triều Tiên và hi vọng một ngày nào đó có thể đoàn tụ với họ.
Theo Linh Tô (Tuổi Trẻ)