Thảm kịch rúng động Hàn Quốc
Ngày 16 tháng 4 năm 2014, 325 học sinh và 14 giáo viên của trường trung học Danwon ở Ansan, tỉnh Kyunggi (Hàn Quốc) đã lên phà Sewol để thực hiện chuyến đi trải nghiệm tới đảo Jeju.
Cho Mun-jeong, một trong những học sinh tham gia chuyến đi, đã hy vọng rằng cô bé sẽ có được một khoảng thời gian thư giãn trước kỳ thi tuyển sinh đại học nhân chuyến đi này. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau khi lên phà, một tiếng "rầm" lớn vang vọng khắp nơi kèm theo một thông báo được phát ra qua hệ thống liên lạc nội bộ, kêu gọi hành khách không được di chuyển và kiên nhẫn chờ cứu hộ.
Cho nhanh chóng nhận ra rằng chiếc phà đang chìm khi chứng kiến hành lang ngập đầy nước chỉ trong vài giây. Cho nắm tay bạn bè chờ đợi và tin rằng họ sẽ được giải cứu. Nhưng không có ai đến.
Sau khi nhận ra chờ đợi chẳng ích gì, Cho nhảy xuống nước cùng hai người bạn nhưng họ bị hút vào một hành lang khác.
"Mình sắp chết" - Cho nghĩ và bắt đầu chộp lấy bất cứ thứ gì có thể ở phía trên và dùng sức đẩy cơ thể lên trên. Điều này giúp Cho và những người bạn có thể tiến về phía lối ra gần nhất.
Khi ba người đến được lối ra, họ cùng nhau nhảy lên, nắm tay nhau. Nhưng khi họ bị dòng nước mạnh ập đến, một người bạn lạc rời khỏi tay của Cho. Người bạn này đã không đủ "may mắn" để vượt qua được thảm kịch này. Còn với cô bé 17 tuổi Cho Mun-jeong ngày nào, ở tuổi 27, cô vẫn phải chịu đựng những cơn ác mộng vì ký ức về việc không thể níu chặt bàn tay người bạn của mình.
"Tôi đã ước mình có thể chết thay bạn bè mình"
Park Sun-young, một nữ sinh khác tại Trường trung học Danwon, sống sót sau thảm kịch vì cô không tham gia chuyến đi vào ngày hôm đó. Cô nhớ các bạn của mình đã lo lắng về thời tiết trước khi lên đường như thế nào vì nhà trường cho biết chuyến đi có thể bị hủy nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi. Nhưng trường sau đó đã thông báo rằng chuyến tham quan vẫn sẽ được tiến hành.
Bạn bè của cô đã nhắn tin cho cô và nói rằng đây sẽ là khoảng thời gian tự do cuối cùng của họ trước khi bắt đầu tập trung ôn luyện cho Suneung, kỳ thi đại học khốc liệt tại Hàn Quốc. Ngày hôm sau, khi Sun-young đang ngủ, bi kịch đã xảy ra và cướp đi sinh mạng của những người bạn thân nhất và người thầy yêu quý của cô.
Sau thảm kịch, Park Sun-young cho biết cô gần như đã mất đi ký ức của cả một tuần sau thảm kịch, "như thể ai đó cố tình cắt ký ức đó" ra khỏi cuộc đời cô.
Trong số 325 học sinh trên tàu, có 75 người sống sót. Tất cả họ đều được đưa vào một phòng khám trong hai tuần và một viện đào tạo trong 70 ngày để nhận được hỗ trợ sức khỏe tâm thần do chính phủ tài trợ. Tuy nhiên, Park không thể nhận được sự hỗ trợ như vậy vì cô ấy không tham gia chuyến đi. Thay vào đó, cô bị bỏ lại một mình để đương đầu với sự mất mát.
Sau đó, Park đã nhận được tài trợ từ các cá nhân để tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần mà cô cần vào thời điểm đó. Những học sinh còn sống khác bắt đầu quan tâm đến Park bằng cách mời cô vào vòng kết nối của họ. Tuy nhiên, điều đó không đủ để lấp đầy cảm giác tội lỗi và trống rỗng mà cô cảm thấy.
"Tôi nhận thấy bản thân mình từng ước mình chết thay cho bạn bè mình".
10 năm ẩn náu
Mười năm trôi qua kể từ thảm kịch kinh hoàng, những người sống sót đã vào đại học và trưởng thành qua từng ngày, một cuộc sống tưởng chừng bình thường nhưng những người bạn khác của họ lại không bao giờ có cơ hội được trải nghiệm.
Đối với những người này, một thập kỷ vừa qua là một cuộc chiến không ngừng nghỉ, đầy rẫy những giai đoạn trầm cảm và cảm giác lạc lõng.
Cho Mun-jeong cho biết cô đã dành 10 năm qua để che giấu danh tính "người sống sót sau thảm kịch" của mình: "Tôi đã che giấu điều đó vì tôi không muốn nó gây hưởng đến suy nghĩ của người khác về tôi hoặc năng lực của tôi."
"Mặc dù tôi muốn tiết lộ rằng tôi là người sống sót sau thảm kịch đó và chia sẻ về ký ức đó của cuộc đời mình, nhưng tôi biết rằng có những người nghĩ tiêu cực về chúng tôi. Tôi sợ rằng việc là người sống sót sau thảm kịch sẽ khiến người khác không thích tôi hoặc điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách họ nghĩ về tôi.
Thời gian trôi qua, tôi nhận ra rằng tôi đã che giấu danh tính của mình vì tôi sợ phải đối mặt với sự phán xét từ những người khác, những người có thể nghĩ rằng tôi không có khả năng đạt được những gì tôi đang có. Tôi biết một số người khác cũng giấu danh tính vì lý do tương tự|" - Cho nói thêm.
Vào thời điểm những học sinh sống sót sau thảm kịch nộp đơn vào các trường đại học, một đạo luật đã được thông qua nhằm tạo ra một chương trình tuyển sinh đặc biệt dành cho học sinh tốt nghiệp từ Trường trung học Danwon. Chương trình tuyển sinh đặc biệt này đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề vào thời điểm đó và cho rằng chương trình này có thể mở ra cánh cửa vào các trường đại học mà học sinh sẽ không bao giờ có cơ hội vào học nếu không trải qua thảm kịch
Với Park Sun-young, cô cho biết cô đã phát triển chứng ám ảnh xã hội, mà theo cô là kết quả của việc thường xuyên tiếp xúc với việc được coi là "người may mắn sống sót" và cảm giác tội lỗi khi không có mặt ở đó khi thảm kịch xảy ra.
"Tôi tự hỏi tôi có quyền gì để nói rằng tôi đang bị tổn thương hay nói rằng tôi cũng là nạn nhân của hoàn cảnh này? Điều đó đã cản trở tôi lên tiếng."
Tiếp tục chữa lành
Kim Do-yeon, một người sống sót khác, cho biết gần đây cô mới học được cách chấp nhận cảm xúc của mình về thảm kịch.
"Thành thật mà nói, tôi thường trốn tránh cảm giác đau khổ mỗi khi nghĩ về thảm kịch đó. Tôi rất sợ phải đối mặt với cảm giác đó. Nhưng gần đây tôi quyết định chấp nhận cảm xúc của mình thay vì giả vờ như chúng không tồn tại." - cô cho biết.
Khi được hỏi về cách cô đối phó với cảm giác mất mát trong 10 năm qua, Kim nói cô đã viết thư cho những người bạn đã qua đời. Kim cho biết cô cũng đến thăm các đài tưởng niệm như lớp học tưởng niệm được thành lập ở Ansan hoặc các cuộc triển lãm liên quan đến thảm kịch để tưởng nhớ những người bạn của mình. Đồng thời, việc lên tiếng về bi kịch với những người xung quanh đã giúp cô chữa lành vết thương.
Khi trở thành sinh viên của Đại học Nữ sinh Sookmyung vào năm 2016, Do-yeon nhớ mình đã trao những chiếc móc khóa có dải ruy băng màu vàng cho các bạn học của mình trước cổng trường vào ngày 16/04. Ngoài ra, Kim cũng tham gia các chương trình tình nguyện ở nước ngoài tại Campuchia và Mông Cổ với sự hợp tác của UNICEF và Salvation Army vì cô "muốn đền đáp" những gì mình đã nhận được.
Cô cho biết: "Tôi gọi đây là 'Phong trào thứ N', nơi tôi thực hiện nhiều hành động để đảm bảo rằng thảm kịch này không bị lãng quên...
...Tôi cảm thấy mình đã nhận được rất nhiều nên đã tham gia các chương trình tình nguyện để đáp lại tình yêu thương và sự quan tâm mà tôi đã nhận được cho những người gặp khó khăn khác".
Mặt khác, Park nhớ lại việc dần dần trở lại xã hội với sự giúp đỡ của các nhà hoạt động xung quanh cô: "Cho đến năm 20 tuổi, chứng lo âu và ám ảnh sợ xã hội của tôi đã ở mức tồi tệ nhất. Tôi không tham gia bất kỳ hoạt động xã hội nào vì tôi sợ điều gì đó sẽ xảy ra với mình nếu ra ngoài. Nhưng với sự giúp đỡ của các nhà hoạt động xung quanh, những người đã khuyến khích tôi làm việc và tương tác với họ, tôi bắt đầu hòa nhập lại với xã hội."
Park nói thêm rằng thảm kịch chen dẫm đạp ở Itaewon vào tháng 10 năm 2022 đã khiến cô nhận ra được nhiều điều: "Sau thảm kịch Itaewon, tôi nhận ra rằng bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của thảm kịch, không chỉ những người liên quan trực tiếp như gia đình tang quyến hay những người đã qua đời. Không có mục đích gì trong việc phân chia ai được coi là nạn nhân và ai không."
Hiện tại, Park đang làm việc tại Hợp tác xã Sản xuất Điện Mặt trời của Công dân Ansan, một công ty năng lượng mặt trời giúp giáo dục về năng lượng mặt trời và xây dựng các nhà máy điện mặt trời trong khu vực. Park cho biết cô thích ý tưởng "làm việc tập thể để đảm bảo một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người" hơn là "làm việc để phát triển" trên cơ sở cá nhân.
Park cũng là một trong những thành viên sáng lập của một tổ chức phi lợi nhuận có tên Wounded Healer, được thành lập để kết nối với mọi người, đặc biệt là trẻ em và thanh niên, bị tổn thương tinh thần và cảm thấy bị tách biệt do ảnh hưởng của thảm kịch chìm phà Sewol.
Theo Thanh Tâm (Phụ Nữ Số)