Triều Tiên thử bom H vượt giới hạn đỏ, chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra?

05/09/2017 15:40:00

Triều Tiên vừa tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H). Động thái này đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng đã vượt qua giới hạn đỏ mà Hàn Quốc và Mỹ đã đặt ra, nhưng chiến tranh hạt nhân có nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên?

Triều Tiên vừa tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H). Động thái này đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng đã vượt qua giới hạn đỏ mà Hàn Quốc và Mỹ đã đặt ra, nhưng chiến tranh hạt nhân có nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên?

Trong một chương trình phát sóng đặc biệt chiều 3/9, bà Ri Chun Hee, phát thanh viên tin tức nổi tiếng nhất Triều Tiên đã thông báo nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đích thân phát lệnh thử hạt nhân lần thứ sáu.

Triều Tiên thử bom H vượt giới hạn đỏ, chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra? - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un kiểm tra một quả bom nhiệt hạch. Ảnh: KCNA

Vụ thử bom nhiệt hạch (bom khinh khí, bom H) đã gây ra một trận động đất mạnh 6,3 độ richter ở khu vực gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.

Theo CNN, việc Bình Nhưỡng thực hiện một vụ thử hạt nhân nữa cho thấy nỗ lực liên tục của nước này trong việc trở thành một cường quốc hạt nhân, cho dù cộng đồng quốc tế mất nhiều năm nỗ lực ngăn cản.

Đây cũng là một dấu hiệu nữa cho thấy thách thức mà Triều Tiên đặt ra với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi tháng 3 là chính sách "kiên nhẫn chiến lược" với Triều Tiên đã kết thúc.

Tổng thống Trump đã đe dọa giáng "lửa cháy và thịnh nổ" đáp trả các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Trước đó, vào tháng 1/2017, nghĩa là khi đang là tổng thống đắc cử, ông Trump viết trên Twitter rằng "Triều Tiên mới nói rằng họ đang 'bước vào giai đoạn cuối' của việc phát triển một loại vũ khí hạt nhân có thể chạm đến đất Mỹ. Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra".

Tuy nhiên, khi Triều Tiên thực sự thử hạt nhân lần thứ sáu và tuyên bố có thể gắn thành công bom nhiệt hạch lên tên lửa đạn đạo liên tục địa vươn tới Mỹ - hai điều mà Mỹ và Hàn Quốc từng nói sẽ không dung thứ, hai nước này sẽ phải đưa ra những lựa chọn nào?

Hai lựa chọn tồi

Theo các chuyên gia, đe dọa chính quyền Triều Tiên là điều từ lâu không có tác dụng, thậm chí chỉ gây tác dụng ngược.

Trước khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát lệnh thử bom nhiệt hạch ngày 3/9, chính quyền của ông Trump đã từng đe dọa tấn công phủ đầu các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Triều Tiên thử bom H vượt giới hạn đỏ, chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra? - Ảnh 2.

Những lời đe dọa và lệnh trừng phạt Triều Tiên của ông Trump không có tác dụng. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, lời đe dọa đó không ngăn được tham vọng của Triều Tiên.

Trong khi đó, cái giá của việc tấn công Triều Tiên lúc nào cũng quá cao so với mức chịu đựng của các chính quyền Mỹ. Triều Tiên không cần dùng vũ khí hạt nhân để tấn công Seoul của Hàn Quốc, vốn chỉ cách một giờ lái xe từ biên giới liên Triều.

Khu vực đông dân này là nơi sinh sống của gần một nửa trong số 50 triệu dân Hàn Quốc. Bất kỳ vụ tấn công nào sẽ dẫn tới leo thang và khiến chiến tranh toàn lực sẽ tái diễn trên Bán đảo Triều Tiên, cướp đi mạng sống của hàng triệu người.

Không chỉ đe dọa, trừng phạt cũng luôn là biện pháp vô ích với Triều Tiên. Triều Tiên đã bị cắt đứt với gần như cả thế giới bởi một loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn vừa của Liên hợp quốc vừa của các nước.

Tuy nhiên, trừng phạt vẫn không ngăn Triều Tiên thử hạt nhân mà bằng chứng là vụ thử hạt nhân mới nhất ngày 3/9.

Hai bên có dám dấn tới?

Trong khi đe dọa và trừng phạt Triều Tiên không dẫn tới đâu, liệu Mỹ và đồng minh có dám "động thủ" sau khi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch ngày 3/9?

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, đã có 4 ông chủ Nhà Trắng từ đảng Cộng hòa và Dân chủ thay nhau đảm nhiệm vị trí.

Trong quãng thời gian từ đó đến nay, Triều Tiên một mực đi theo con đường hạt nhân hóa nhưng về một số góc độ nào đó, dường như các Tổng thống Mỹ đều chấp nhận rằng: "Tôi có thể sống với điều này". Sau mỗi đời Tổng thống Mỹ, nhu cầu ngăn cản Triều Tiên càng cấp thiết thì lựa chọn quân sự từ Washington càng khó xảy ra.

Mỹ khẳng định theo đuổi ổn định tại Bán đảo Triều Tiên và kiềm chế vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Triều Tiên rõ ràng không đi theo hướng này.

Có nhận định rằng mục đích thật sự của Mỹ là tăng cường quốc phòng cho Hàn Quốc và đóng vai trò lực lượng phòng vệ tuyến đầu để đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ đưa quân tràn vào lãnh thổ Hàn Quốc. Vậy nhưng, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ không xâm lược Hàn Quốc bởi điều này ảnh hưởng tới an ninh chính quyền của quốc gia này.

Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều nằm dưới lá chắn bảo vệ hạt nhân của Mỹ. Các mối đe dọa từ Triều Tiên chỉ góp phần đẩy Washington xích lại gần hơn với hai đồng minh tại châu Á này đồng thời có lý do để chỉ trích Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại hiếm hoi của Triều Tiên.

Hầu hết các Tổng thống Mỹ đều lựa chọn giảm thiểu đe dọa từ Triều Tiên và tảng lờ những lời nạt nộ của Bình Nhưỡng. Với ông Trump thì khác, ông là một ngoại lệ khi khẩu chiến với Triều Tiên, đe dọa nước này bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất.

Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Business Insider, màn dọa nạt từ hai phía Mỹ-Triều Tiên gần đây có thể được coi là tai nạn và tính toán nhầm hơn là giải pháp mà Mỹ lựa chọn để ngăn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Về phần mình, Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Triều Tiên Pak Young-sik từng phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm 64 năm ngày ký hiệp định đình chiến chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) ngày 26/7:

"Nếu kẻ thù đánh giá sai lầm về vị thế chiến lược của chúng ta và vẫn theo đuổi phương án tiến hành cuộc tấn công phủ đầu bằng hạt nhân nhằm vào chúng ta, chúng ta sẽ thực hiện cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào trái tim của nước Mỹ như một hình thức trừng phạt thảm khốc nhất mà không đưa ra cảnh báo trước".

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, một cuộc chiến tranh hạt nhân không dễ dàng xảy ra như những tuyên bố mạnh miệng trên. Tất cả các động thái của các bên, từ đe dọa và trừng phạt của phương Tây cho tới thử bom hạt nhân hay tên lửa của Triều Tiên, đều nhằm mục đích giành lợi thế trong trường hợp hai bên đàm phán.

Hậu quả của chiến tranh hạt nhân

Với sức phá hủy khủng khiếp, chiến tranh hạt nhân là điều không ai mong đợi, mọi sai lầm đều để lại hậu quả nặng nề và người ta có thể thấy qua những lần thử nghiệm hạt nhân.

Theo các nhà nghiên cứu, sức tàn phá của các lần thử hạt nhân được cho là tương đương với sức tàn phá của các cơn bão Mặt Trời tác động lên Trái Đất, trong đó bao gồm việc làm cho mất điện và các hệ thống liên lạc bị gián đoạn.

Triều Tiên thử bom H vượt giới hạn đỏ, chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra? - Ảnh 3.

Chiến tranh hạt nhân sẽ để lại hậu quả không thể tưởng tượng nổi.

Tờ New York Post đưa tin, việc cho kích hoạt các chất nổ ở độ cao từ 25 - 402 km trên bề mặt hành tinh có thể tạm thời làm biến dạng đường sức của từ trường Trái Đất.

Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các vệ tinh bằng việc phá hủy hệ thống điện tử cũng như làm gián đoạn các kênh liên lạc và tín hiệu định vị. Thậm chí một số vệ tinh nhân tạo gần địa điểm thử hạt nhân bị dừng hoạt động.

Các kết quả trên được công bố trên Tạp chí Khoa học Không gian được coi là những dự đoán lạnh người về hậu quả mà một cuộc xung đột hạt nhân đem đến cho nhân loại.

Một vụ xung đột như vậy có thể ngay lập tức xóa sổ toàn bộ một vài quốc gia. Trong thời đại chúng ta ngày càng tin tưởng vào công nghệ, rõ ràng một vụ chiến tranh hạt nhân có thể có sức tàn phá mạnh hơn rất nhiều.

Không chỉ có hiện tượng phóng xạ hủy diệt sự sống trên Trái Đất, mà mọi năng lượng và hệ thống vệ tinh có thể hoàn toàn bị phá hủy, đưa chúng ta quay trở lại Thời kỳ Đồ đá.

Theo Thùy Dương (Báo Tin Tức)

Nổi bật