Nội dung trên được một quan chức Seoul nói với phương tiện truyền thông địa phương hôm 3-10 và cho biết thêm: "Tên lửa này lớn hơn tên lửa mà họ từng đưa ra vào năm 2017 và chúng tôi tin rằng họ sẽ giới thiệu nó tại cuộc duyệt binh vào ngày 10-10".
Triều Tiên đã bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 lần đầu tiên vào năm 2017 và có vẻ như tên lửa này được chuẩn bị để biểu dương lực lượng vào ngày kỷ niệm thành lập đảng cầm quyền.
Các đồn đoán tiếp tục tăng lên về việc Triều Tiên tiết lộ về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến hơn hay còn gọi là ICBM, là tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn 5.500 km, được chế tạo để mang nhiều đầu đạn hạt nhân một lúc.
Ông Michael Elleman, giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Mỹ, viết trên trang web: "Các tên lửa KN-23 và KN-24 của Triều Tiên khó mà né tránh sự phát hiện của các radar tầm xa so với các tên lửa Scud".
Ông đề cập đến việc các tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Bình Nhưỡng dễ bị đánh chặn bởi lá chắn chống tên lửa của Seoul được bố trí bằng các hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao Thaad và Patriot.
Seoul duy trì mạng lưới phòng thủ tên lửa, nơi hệ thống Patriot dễ phát hiện tên lửa bay ở tầm thấp và Thaad hạ gục tên lửa ở tầm cao. Thaad có các radar tầm xa hơn nhiều so với Patriot để theo dõi tên lửa.
Quan chức Seoul nói thêm rằng Bình Nhưỡng có thể có một tên lửa đạn đạo mới hơn được phóng từ tàu ngầm cải tiến, thông tin tình báo đã thu thập được các dấu hiệu về hoạt động này tại Nhà máy đóng tàu Nam Sinpo nằm dọc theo bờ biển phía Đông của Triều Tiên.
Các vụ phóng ICBM hồi năm 2017 đánh dấu lần đầu tiên Triều Tiên sở hữu năng lực thực hiện đòn đánh hạt nhân nhằm vào lãnh thổ Mỹ. Hai vụ thử tên lửa Hwasong-14 được đánh giá là thành công với tầm bắn lý thuyết tới 10.400 km, trong khi quả đạn Hwasong-15 tầm bắn 13.000 km được cho là gặp một số sự cố nhỏ trong quá trình bay.
Đức Minh (nguoiduatin.vn)