Lễ duyệt binh được kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên ở thủ đô Bình Nhưỡng chiều 10/10. |
Thông tin này được tờ Kukmin Ilbo, đài truyền hình MBN cùng nhiều phương tiện truyền thông Hàn Quốc đăng tải hôm qua (15/12), 3 ngày sau vụ ban nhạc nữ Triều Tiên Moranbong hủy diễn ở Trung Quốc và bỏ về bất ngờ.
Đây là lần thứ hai trong vòng 3 tháng qua những thông tin tương tự xuất hiện trên báo chí. Lần gần đây nhất thông tin Triều Tiên bắt Hoa kiều được tung ra là sau khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tới dự lễ duyệt binh của Trung Quốc hồi tháng 9.
Khi đó, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, đài truyền hình KBS, kênh News1... cũng dẫn lại thông tin trên tờ Tuần san Á Châu của Hồng Kông nói rằng hơn 100 Hoa kiều bị Bình Nhưỡng bắt giữ do làm gián điệp, làm lộ hình ảnh ra nước ngoài, chuyển tiền phi pháp...
Một nguồn tin giấu tên từ Triều Tiên nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng đó là những thông tin thất thiệt, không thể xảy ra.
Ban nhạc nữ Triều Tiên Moranbong tại Bắc Kinh hôm 10/12 để chuẩn bị cho các buổi biểu diễn, nhưng đã bất ngờ về nước 2 ngày sau đó. |
Theo tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc), trang Daily NK dẫn lời "nguồn tin giấu tên ở tỉnh Pyongan Nam, Triều Tiên" tiết lộ Bộ bảo vệ an ninh quốc gia nước này đã triển khai kiểm tra đối với Hoa kiều trên toàn quốc và bắt giữ hơn 100 người để thẩm vấn.
Theo nguồn tin này, những người bị bắt có họ hàng, con cháu ở Trung Quốc và bị cơ quan an ninh Triều Tiên bí mật theo dõi liên lạc giữa đôi bên cũng như kiểm tra thư tín.
Nguồn tin nói với Daily NK rằng những người bị bắt rất có khả năng là "gián điệp hai mang".
Cũng theo trang mạng này, "một nguồn tin giấu tên khác ở Triều Tiên" nói rằng ý kiến được lan truyền nhiều thời gian qua là "cơ quan an ninh Triều Tiên bắt giữ Hoa kiều nhằm trả đũa việc quan hệ Trung-Hàn lên cao".
Thậm chí, còn có thông tin nói rằng "Triều Tiên tiến hành giám sát, theo dõi Đại sứ Trung Quốc và bị Bắc Kinh phát hiện".
Trước những thông tin này, nhà nghiên cứu Lữ Siêu thuộc Viện khoa học xã hội Liêu Ninh, Trung Quốc bình luận trên tờ Hoàn Cầu rằng các thông tin của trang Daily NK không có căn cứ thực tế nào.
Theo ông này, đây là trang mạng chuyên về tình hình Triều Tiên của những người Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc và đa phần là các thông tin "mang tính truyền tai, vỉa hè", không có những báo cáo khách quan, chủ yếu nhằm mục đích làm xấu hình ảnh của Bình Nhưỡng.
Lữ Siêu cho biết: "Tổng số Hoa kiều sống tại Triều Tiên vào khoảng hơn 10.000, nhiều người hoạt động kinh doanh buôn bán, qua lại thường xuyên giữa Trung-Triều.
Việc bắt giữ 100 người, nếu có thực, thì là tỷ lệ tương đối lớn. Một hành động nhằm vào cộng đồng người Hoa như vậy khó có khả năng xảy ra."
Một học giả Trung Quốc giấu tên trả lời phỏng vấn của Hoàn Cầu cũng nhận định các thông tin mà truyền thông Hàn Quốc đăng tải là tin giả, không đáng tin cậy.
Theo học giả này: "Nhiều khả năng có thế lực muốn nhân vụ Moranbong bỏ diễn ở Trung Quốc để 'thêm mắm thêm muối' vào vấn đề quan hệ Trung-Triều."
Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc Lưu Vân Sơn (trái) cùng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng ngày 10/10, bước đầu cải thiện quan hệ Trung-Triều. Ảnh: AP |
Hướng giải quyết cho vấn đề Trung-Triều
Hôm 12/12 vừa qua, ban nhạc Moranbong đã bất ngờ ra sân bay trở về Triều Tiên, khi chỉ còn 4 tiếng là tới chương trình biểu diễn trong 3 ngày (12-14/12) tại Đại kịch viện quốc gia Bắc Kinh, Trung Quốc.
Vụ việc một lần nữa dấy lên mối nghi ngờ về mức độ rạn nứt trong quan hệ Trung-Triều thời gian qua, đặc biệt sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un bỏ qua lập trường của Bắc Kinh và tuyên bố "sẵn sàng sử dụng bom khinh khí để bảo vệ an ninh và tôn nghiêm quốc gia".
Phát biểu của ông Kim cùng vụ Moranbong thậm chí được một số chuyên gia Trung Quốc bình luận là "cắt đứt con đường cải thiện quan hệ với Bắc Kinh".
Dù vậy, đứng từ góc độ của Trung Quốc, nước này vẫn cần Triều Tiên đóng vai trò gây sức ép lên Mỹ-Nhật-Hàn tại Đông Bắc Á để đối phó với chiến lược "xoay trục châu Á" của Washington.
Theo Hải Võ (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)