Triều Tiên - Hàn Quốc thống nhất trong 2015?

12/01/2015 14:38:14

Dù không khí đầu năm 2015 khá thuận lợi cho liên triều hòa hợp nhưng giới quan sát vẫn cho rằng dù khởi đầu “năm mới” nhưng bài toán cũ vẫn giải chưa ra.

Dù không khí đầu năm 2015 khá thuận lợi cho liên triều hòa hợp nhưng giới quan sát vẫn cho rằng dù khởi đầu “năm mới” nhưng bài toán cũ vẫn giải chưa ra. 

Trên thế giới không hiếm các trường hợp đất nước vì “biến cố” mà phải tạm thời phân chia “Nam-Bắc” hoặc “đông-tây”, chờ ngày thống nhất. Nhưng trường hợp của CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc lại là một câu chuyện dài, trong đó cụm từ “thống nhất” vẫn còn xa xôi lắm!

Cơ hội lịch sử bị bỏ lỡ

Tháng 7-2014, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành, nhà báo kỳ cựu Mark Barry của tờ The Guardian (Anh) đã tiết lộ về một cơ hội lịch sử để thống nhất bán đảo Triều Tiên mà Mỹ và Hàn Quốc bỏ lỡ.

Trong những năm cuối đời, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã chứng kiến sự sụp đổ đồng loạt của khối các quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu, sự tan rã của Liên Xô, quá trình cải cách kinh tế chính trị ngoại giao mạnh mẽ của Đặng Tiểu Bình tại Trung Quốc. Kim Nhật Thành không muốn để lại cho Kim Jong-il - nhà lãnh đạo kế tiếp của Triều Tiên - một môi trường quốc tế đầy biến động như thế. Mặc dù không còn nắm quyền lực đối nội tại Bình Nhưỡng, Kim Nhật Thành vẫn nắm toàn quyền quyết định đối với chính sách liên Triều của nước này. Và ông mong muốn thay đổi.

Năm 1991, Triều Tiên và Hàn Quốc đã bất ngờ ký kết được Hiệp định Cơ bản (bao gồm các điều khoản về bình thường hóa quan hệ, bất tương xâm, thương mại và hợp tác). Cũng từ năm 1991, Bình Nhưỡng đã liên tiếp gửi thư mời cựu Tổng thống Mỹ - ông Jimmy Carter đến Bình Nhưỡng để gặp mặt. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối đề nghị được công du của ông Carter. Mãi đến tháng 6-1994, khi Phó Tổng thống Mỹ Al Gore can thiệp, ông Carter mới được đến Bình Nhưỡng để bàn luận về vấn đề hạt nhân Triều Tiên nhưng phải tuyệt đối bí mật.
 

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye kêu gọi thống nhất liên Triều.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm nhà trẻ và trại mồ côi Bình Nhưỡng nhân dịp năm 2015. Ảnh: REUTERS


Các kết quả thu được tốt đẹp vượt ngoài mong đợi, Kim Nhật Thành đã đồng ý “đóng băng” chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đổi lại được hỗ trợ các nhà máy điện hạt nhân nước nhẹ và được Mỹ cung cấp nhiên liệu để bù vào phần năng lượng từ chương trình hạt nhân mà Triều Tiên quyết định “vứt bỏ”. Những thông tin này đã ngăn Nhà Trắng triển khai kế hoạch điều động thêm 10.000 quân cùng máy bay tàng hình, máy bay chiến đấu và hàng không mẫu hạm đến Hàn Quốc, tránh được cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai.

Một cuộc họp thượng đỉnh liên Triều giữa Kim Nhật Thành và đương kim Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam được dự kiến diễn ra vào ngày 25-7-1994. Tương lai thống nhất Triều Tiên ngỡ không còn xa. Thế nhưng, cùng với cái chết đột ngột của ông Kim Nhật Thành vào ngày 8-7-1994, mối quan hệ Hàn-Triều lại thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Chính quyền Kim Young-sam đã quyết định phá đổ tất cả những gì mà ông Jimmy Carter gầy dựng được khi không thèm gửi điện chia buồn trước cái chết của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Thay vào đó, Seoul lên tiếng kết tội ông Kim Nhật Thành là một “tội phạm chiến tranh”, gây nên cuộc chiến tranh liên Triều. Quân đội Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động. Kể cả khi Liên Hiệp Quốc cho treo cờ rủ, Mỹ và phương Tây chia buồn với người dân Triều Tiên trước nỗi đau của dân tộc, chính quyền của ông Kim Young-sam vẫn không thay đổi thái độ thù địch của mình.

Nhà báo Mark Barry nhận định hành động này đã xát muối vào vết thương của người Triều Tiên và quan trọng hơn hết là của ông Kim Jong-il, người có quyền lực tối cao tại Bình Nhưỡng quyết định mọi “đường đi nước bước” của quốc gia, làm xóa bỏ mọi hy vọng Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ cấp nguyên thủ quốc gia giữa hai nước.

“Lưỡng nan an ninh”: Liên Triều khó bỏ nghi ngờ

Quan hệ liên Triều từ khi ông Kim Jong-il nhận chức cho đến nay cũng không ít lần có dấu hiệu “tốt lên” nhưng cũng vì nhiều khúc mắc về chính trị - kinh tế - xã hội mà sẵn sàng xung đột vũ trang. Trong đó phải nhắc đến sự chi phối của người Mỹ tại khu vực. Đầu năm 2014, liên Triều gặp mặt bàn về chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán giữa hai miền sau cuộc chiến Triều Tiên năm 1950-1953 được tổ chức tại ngôi làng Bàn Môn Điếm - một ngôi làng ở tỉnh Gyeonggi, là giới tuyến phân cách Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên.

Liên Triều tiến hành hai vòng đàm phán chung và hai cuộc tiếp xúc riêng giữa các quan chức đứng đầu. Bình Nhưỡng, cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc phải được hoãn lại cho tới sau sự kiện đoàn tụ gia đình kết thúc. Hàn Quốc đã thẳng thừng từ chối, bất chấp Bình Nhưỡng đe dọa cuộc tập trận có thể sẽ “vượt khỏi tầm kiểm soát và rơi vào một thảm họa không thể tưởng tượng nổi”. Bộ chỉ huy lực lượng liên quân Mỹ-Hàn còn quả quyết tuyên bố: “Hàn Quốc sẽ khai hỏa cuộc tập trận chung bất chấp sự phản đối dữ dội từ phía Triều Tiên”. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney vẫn khẳng định “chính sách của Obama tại Hàn Quốc sẽ không có thay đổi dù Triều Tiên có muốn hay không”.

Triều Tiên dùng “đủ mọi giải pháp”, từ đe dọa và đẩy cao căng thẳng khu vực đến thông điệp đoàn tụ, hòa bình nhưng đều bị Hàn Quốc cự tuyệt. Seoul cho rằng dù Bình Nhưỡng có nói gì thì điều ấy cũng “thiếu chân thành” khi nước này vẫn chưa chịu từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Người Hàn không “quay lưng” với Mỹ ngày nào Triều Tiên chưa “giải thể” hạt nhân, trong khi Bình Nhưỡng cũng không chịu từ bỏ hạt nhân - vốn là vũ khí để nước này mặc cả với Hàn Quốc có Mỹ “chống lưng”. Thế “lưỡng nan an ninh” không cho phép một trong hai “bỏ vũ khí xuống trước” bởi chỉ cần một bên “phản phé” thì bên còn lại thua trọn vẹn.

Hy vọng 2015: Bài toán cũ chưa lời đáp

Thông điệp chào năm mới 2015 của Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ít nhiều đều mang lại một niềm tin mới về cơ hội thống nhất liên Triều. Tổng thống Park Geun-hye khẳng định sẽ chấm dứt 70 năm chia cắt trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời cam kết sẽ xây dựng một nền tảng “thực tế và chi tiết” cho việc tái thống nhất hai miền Nam-Bắc bằng cách khuyến khích Bình Nhưỡng thay đổi dựa trên cơ sở lòng tin.

Đáp lại “chân tình”, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết: “Không có lý do gì để không tổ chức đàm phán Bắc-Nam cấp cao”. Trong bài phát biểu của mình, ông Kim Jong-un dường như đưa ra thông điệp về “thống nhất trong đa dạng”, tức chấp nhận cái riêng ngay cả về mặt ý thức hệ chính trị. Lời ông Kim giúp người ta mơ hồ nghĩ đến “một quốc gia, hai chế độ” vốn không còn xa lạ, cũng không phải là kém hiệu quả, ít nhất là trong hoàn cảnh liên Triều hay “đụng độ” với nhau trong suốt thời gian qua.

Không khí hồ hởi của những ngày “đoàn tụ” - tháng 2 hằng năm - khiến không ít người lại bắt đầu hy vọng. Nhưng cao hơn niềm hy vọng là nỗi lo “kịch bản cũ tái diễn”, bởi cũng như mọi năm, Triều Tiên lại yêu cầu Mỹ-Hàn hủy tập trận truyền thống. Phía Mỹ như thường lệ đã bác bỏ. Điều này khiến nhiều người “thở dài”, bởi bài toán cũ - cái vòng “lưỡng nan an ninh” - vẫn cứ luẩn quẩn và niềm tin liên Triều có lẽ sẽ còn lâu lắm mới đủ mạnh để thống nhất hai miền.
 
Những “bước đà” liên Triều xích lại gần nhau
 
So với năm 2014, thông điệp năm 2015 của ông Kim Jong-un chi tiết hơn và nhấn mạnh nhiều hơn về giải pháp thống nhất liên Triều. Phía Seoul cũng đề xuất tổ chức thêm cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào cuối tháng 2-2015. Hàn Quốc còn thông báo sẽ cung cấp cho Triều Tiên khoản viện trợ 620.000 USD. Đó là chưa tính việc chính phủ Hàn Quốc đang có kế hoạch sử dụng quỹ hợp tác liên Triều để phục vụ dự án “hỗ trợ công nghệ” để trang bị cho các quan chức Triều Tiên kỹ năng trong các lĩnh vực công nghệ liên quan như môi trường, năng lượng, quản lý tài nguyên nước và vận tải nửa đầu năm 2015.
 
Theo Đại Thắng - Trung Nhân (Pháp Luật TPHCM)