Theo hãng thông tân Sputnik, Việt Nam và Nga đang khẩn trương tiến hành đàm phán những công đoạn còn lại về việc đóng tiếp 4 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 tiếp theo sau khi 6 tàu thuộc hợp đồng trước đó đã hoàn thành.
Dự kiến 4 tàu tên lửa Molniya đóng mới sẽ có thay đổi về thiết kế cũng như cấu hình vũ khí mang theo, sức mạnh được cho là vượt trội hoàn toàn so với phiên bản cũ.
Dựa trên nguyên mẫu tàu tên lửa Molniya đang được đóng mới tại Nhà máy Vympel, con tàu có phần thượng tầng sửa đổi với thiết kế tàng hình hóa nhằm tăng mức độ tán xạ sóng radar, khiến đối phương khó phát hiện hơn.
Bên cạnh đó tàu chỉ còn mang 8 tên lửa hành trình chống hạm bố trí chính giữa, nhưng đó sẽ là loại siêu âm Kalibr hoặc Yakhont mạnh hơn hẳn Uran-E. Nếu việc đàm phán sớm hoàn thành thì Việt Nam sẽ đóng tiếp 4 chiếc Molniya theo cấu hình trên, khiến chúng trở thành các chiến hạm uy lực nhất trong hạm đội tàu mặt nước.
Ngoài ra tại Triển lãm quốc tế lần thứ 9 về công nghệ đóng tàu, hàng hải và công trình biển - Vietship 2018, gian trưng bày của Nhà máy Z189 xuất hiện một mô hình tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn khá lạ mắt.
Căn cứ vào kích thước cơ bản thì đây là biến thể sửa đổi từ nguyên mẫu RGS 9316 do Damen - Hà Lan thiết kế. Với kinh nghiệm đóng loại tàu tương tự cho Hải quân Hoàng gia Australia, có thể Z189 sẽ sớm hoàn thành con tàu trên ngay trong năm 2018 để con tàu trở thành trợ thủ của tàu ngầm Kilo 636 trong các lần làm nhiệm vụ.
Chưa dừng lại ở đó, cũng tại Triển lãm Vietship 2018, Tổng Công ty Sông Thu đã giới thiệu đồ họa tàu tuần tra cỡ lớn DN 4000 đóng cho Cảnh sát biển Việt Nam, số lượng đóng mới sẽ là 2 chiếc.
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là "chiến hạm" mặt nước lớn nhất của Việt Nam, cùng với các tàu tuần tra lớp Hamilton và DN 2000 tạo ra năng lực thực thi pháp luật vững chắc trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bên cạnh Hải quân và Cảnh sát biển, trong năm 2018 Lục quân Việt Nam nhiều khả năng sẽ nhận được những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK đầu tiên khi nhà sản xuất Uralvagonzavod đã thông báo họ sẽ bắt đầu quá trình giao hàng cho nước ngoài từ tháng 2.
Hiện tại Uralvagonzavod đang thực hiện hợp đồng sản xuất T-90S/SK cho Iraq và Việt Nam, có thể Iraq sẽ được nhận xe tăng trước nhưng chắc chắn công việc giao hàng cho chúng ta cũng sẽ diễn ra trong năm.
Trong khi chờ đợi T-90 hiện đại, đã có nhiều chỉ dấu cho thấy Nhà máy Z153 bắt đầu tiến hành nâng cấp hàng loạt xe tăng T-54/55 cũ lên chuẩn M3, để chúng có thể phối hợp tác chiến tốt hơn với T-90 trong tương lai.
Đối với Quân chủng Phòng không - Không quân, đã có rất nhiều nhận định từ các chuyên gia quân sự quốc tế như Nga, Mỹ hay cả Trung Quốc cho rằng chúng ta sẽ sớm đặt hàng các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 cùng máy bay tiêm kích đa năng Su-35S.
Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, các thông tin bên lề cho biết phía bạn đã tích cực chào hàng và hy vọng rằng Việt Nam sẽ sớm chốt hợp đồng trong thời gian ngắn nhất.
Thậm chí trên diễn đàn quân sự nước Nga còn nhận định rằng Việt Nam không chỉ mua riêng Su-35S mà sẽ lựa chọn cả Su-30SM để tạo ra biên đội tác chiến hỗn hợp như cách mà Không quân Nga đang dùng.
Sự bổ sung các chiến đấu cơ tối tân Su-35S, Su-30SM cùng hệ thống phòng không S-400 sẽ giúp cho Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam ngoài việc giữ vững bầu trời còn tung được đòn tấn công tầm xa sấm sét, đủ để làm chùn chân mọi kẻ thù.
Theo Tùng Dương (Đất Việt)