Triển vọng thế giới chấm dứt đại dịch Covid-19 trong năm 2023

01/01/2023 15:25:57

Các quan chức y tế toàn cầu khuyến cáo người dân không nên mất cảnh giác mặc dù họ thừa nhận đã có sự thay đổi đối với triển vọng quay trở lại cuộc sống bình thường gần 3 năm sau khi virus được phát hiện lần đầu tiên.

Đối với phần lớn thế giới, năm 2022 đánh dấu thời điểm bắt đầu kết thúc đại dịch Covid-19. Có thể thấy rõ sự thay đổi này sau nhiều nỗ lực mở cửa trở lại bất thành ở nhiều quốc gia.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối năm 2021, với khả năng gây tái nhiễm khiến số ca mắc Covid-19 tăng đột biến sau đó, ban đầu đã khiến các nhà khoa học lo ngại và dẫn đến những dự đoán nhầm lẫn về khả năng trở lại trạng thái bình thường.

Triển vọng thế giới chấm dứt đại dịch Covid-19 trong năm 2023
Các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm trong đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 4/2022. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, trong những tháng tiếp theo, một kịch bản ổn định hơn đã diễn ra. Cho đến nay, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn liên quan chặt chẽ với Omicron nhưng không thay thế hoàn toàn biến thể này.

Việc tiêm vaccine đã giúp giảm số ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19. Một thế hệ vaccine tăng cường mới nhắm vào các biến thể Omicron đã ra đời. Cộng đồng y tế cũng đã có nhiều phương pháp điều trị cải tiến cho người mắc Covid-19.

Tiến sĩ Daniel Kuritzkes, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Brigham and Women's ở Boston, Mỹ cho biết: “Dường như virus bằng cách nào đó đã mắc kẹt trong thung lũng tiến hóa này. May mắn thay, không có biến thể khác biệt đáng kể nào xuất hiện”.

Do đó, ở nhiều nơi, khẩu trang không còn là yêu cầu bắt buộc, các trường học trở lại học trực tiếp, các chuyến du lịch, kỳ nghỉ lễ và các lễ kỷ niệm lớn đã quay trở lại.

“Đại dịch đã kết thúc,” Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu vào tháng 9/2022, đề cập việc người Mỹ đang thay đổi hành vi của mình.

Thế giới vẫn cần cảnh giác

Các quan chức y tế toàn cầu cảnh báo người dân không nên mất cảnh giác mặc dù họ thừa nhận đã có sự thay đổi đối với triển vọng quay trở lại cuộc sống bình thường gần 3 năm sau khi virus được phát hiện lần đầu tiên. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do Covid-19 được đưa ra vào tháng 1/2020.

“Chúng ta vẫn chưa đi được tới đó. Nhưng sự kết thúc đã ở trước mắt”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên ngay sau phát biểu của Biden vào tháng 9.

Mặc dù mối đe dọa nghiêm trọng nhất đến từ Covid đã giảm bớt ở nhiều nơi, nhưng đại dịch vẫn tiếp tục tác động đến cuộc sống hàng ngày.

Gần 7 triệu người đã tử vong do Covid-19. Thế giới vẫn ghi nhận gần 2.000 ca tử vong mỗi ngày. Các đợt bùng phát mới tiếp tục khiến nhiều người không thể đi làm và đi học. Nguy cơ mắc Covid-19 kéo dài với các triệu chứng suy nhược có thể kéo dài hàng tháng dường như gia tăng sau những lần tái nhiễm. Khả năng tiếp cận với vaccine, mũi tiêm nhắc lại và các phương pháp điều trị vẫn còn bất bình đẳng trên toàn cầu.

Ở Trung Quốc, chính sách Zero Covid đã giữ cho số ca tử vong ở mức thấp nhất có thể và giúp hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này không bị sụp đổ do số ca mắc tăng cao.

Dịch Covid-19 sẽ ra sao trong năm 2023?

Đối với nhiều chuyên gia, năm 2023 sẽ cho thấy toàn bộ tác động của Covid-19 đối với sức khỏe toàn cầu.

Dữ liệu cho thấy đại dịch đã làm gián đoạn tất cả các loại hình chăm sóc sức khỏe, từ tiêm chủng cho trẻ em đến khám sàng lọc ung thư. Tuổi thọ ở một số quốc gia đã giảm, trong khi những lo ngại về sức khỏe tâm thần đã tăng vọt.

Những tác động của Covid-19 kéo dài chỉ mới được thừa nhận, trong khi những lỗ hổng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia trở nên rõ hơn bao giờ hết.

Các chuyên gia cho rằng, câu hỏi đặt ra là liệu những thay đổi trong thời gian qua có tiếp tục tồn tại hay không và loại chính sách nào có thể được thực hiện để thích nghi. WHO và các quốc gia thành viên đang thảo luận về một hiệp ước đại dịch để quản lý phản ứng tốt hơn đối với các đợt bùng phát trong tương lai.

Covid-19 sẽ tiếp tục đòi hỏi sự cảnh giác đối với những người có hệ thống miễn dịch ổn định và rộng hơn là khi các ca bệnh gia tăng ở một vài nơi cụ thể. Trong những trường hợp như vậy, mọi người nên cân nhắc việc đeo lại khẩu trang ở những nơi đông người và nên cập nhật thông tin về các loại vaccine hiện có.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm vẫn cảnh giác trước khả năng xuất hiện một biến thể Covid-19 mới có thể làm suy yếu đáng kể vaccine và phương pháp điều trị hiện có.

Tổng Giám đốc WHO Tedros cho biết những khoảng cách trong tỷ lệ xét nghiệm và tiêm chủng Covid-19 “đang tiếp tục tạo điều kiện hoàn hảo cho một biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện có thể gây ra tỷ lệ tử vong đáng kể”./.

Theo Hoàng Phạm (Vov.vn)

Nổi bật