Triển vọng Mỹ - Trung 'ngừng bắn' trong chiến tranh thương mại tại G20

26/06/2019 16:08:00

Trump - Tập nhiều khả năng đồng ý không áp thêm thuế với đối phương để tạo đà cho các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại.

Triển vọng Mỹ - Trung 'ngừng bắn' trong chiến tranh thương mại tại G20
Tổng thống Mỹ Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida tháng 4/2017. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật diễn ra ngày 28-29/6. Giới phân tích cho rằng kịch bản khả dĩ nhất của cuộc gặp là hai bên thống nhất về một "lệnh ngừng bắn" để Bắc Kinh và Washington có thời gian đàm phán về thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại.

Kết quả đó sẽ lặp lại những điều đã diễn ra trong cuộc gặp Trump - Tập tại G20 ở Argentina năm ngoái, khi Mỹ đồng ý hoãn nâng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc trong ba tháng. Tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại sau đó đã khiến Mỹ tiếp tục hoãn nâng thuế nhưng đến đầu tháng 5, đàm phán đổ bể khi hai nước sắp đạt được thỏa thuận. Mỹ nâng thuế với Trung Quốc sau khi cáo buộc đối phương phá bỏ cam kết đã nhất trí, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế 25% với 60 tỷ USD hàng Mỹ.

Giờ đây, Trump đang dọa áp thuế 25% với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc. Nếu Mỹ - Trung đạt được "lệnh ngừng bắn", Trump sẽ không tiến hành động thái này nhằm giảm căng thẳng và mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo của quan chức hai bên nhằm đưa ra thỏa thuận. Tuy nhiên, các đòn áp thuế Mỹ - Trung đã tung ra với nhau sẽ được giữ nguyên, đồng nghĩa với việc chiến tranh thương mại chưa thể kết thúc.

"Khả năng lý tưởng nhất là hội nghị thượng đỉnh này có kết quả giống như sự kiện ở Argentina", Tu Xinquan, chuyên gia từ Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh, nói. "Đó là cách ngăn cuộc chiến thương mại leo thang".

Giới chuyên gia cho rằng ít khả năng Trump - Tập có thể đưa ra được thỏa thuận tại G20 để chấm dứt cuộc chiến thương mại đã kéo dài một năm. Kịch bản này đòi hỏi Mỹ dỡ bỏ một số thuế quan, đổi lại, Trung Quốc chấp nhận các yêu cầu của Washington.

Trong các cuộc đàm phán trước đây, chính quyền Trump yêu cầu Bắc Kinh có biện pháp mạnh mẽ hơn với hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ nước ngoài, dừng ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ quan trọng cho doanh nghiệp Trung Quốc và thay đổi luật an ninh mạng. Các nhà đàm phán Mỹ còn muốn thỏa thuận có quy định rằng Washington sẽ áp thuế với Trung Quốc nếu không hài lòng về tiến trình thực hiện cam kết của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đưa ra một số yêu sách "sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị và xã hội của Trung Quốc". Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho biết những điểm họ không thể đồng ý là Washington từ chối dỡ bỏ toàn bộ thuế quan với Bắc Kinh; Mỹ yêu cầu Trung Quốc mua số lượng sản phẩm không hợp lý và Trung Quốc coi ngôn từ trong dự thảo là "không cân bằng", ảnh hưởng đến chủ quyền của họ.

Giới chuyên gia đánh giá với những khác biệt này, Mỹ - Trung khó có thể đạt được đồng thuận trong vài ngày trước khi các lãnh đạo gặp nhau. Craig Allen, chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Trung, cho biết ông Trump và ông Tập đều muốn chấm dứt chiến tranh thương mại, nhưng việc mong đợi hai bên đạt được thỏa thuận ở Osaka là "quá lạc quan".

"Không có đủ thời gian cần thiết để đạt được thỏa thuận. Họ có thể chỉ thảo luận về những bước tiếp theo như quan chức hai bên sẽ quay trở lại bàn đàm phán bằng cách nào, ở đâu và khi nào", Allen nói.

Allen cũng cho rằng triển vọng khả dĩ nhất là hai bên đạt được "lệnh ngừng bắn". "Hai bên nhiều khả năng không áp thêm thuế mới. Những đòn thuế hiện tại đã gây hại rất nhiều cho các công ty, công nhân và nông dân".

Kịch bản Mỹ - Trung tiếp tục leo thang căng thẳng sau G20 cũng ít khả năng xảy ra vì việc ông Tập và ông Trump đồng ý gặp nhau tại Nhật Bản là dấu hiệu cho thấy cả hai đang cố gắng hòa hoãn.

Trump chắn chắn không sẵn sàng đồng ý một thỏa thuận khiến Mỹ bị yếu thế vì các đối thủ chính trị sẽ có cớ để công kích ông. Nhưng Tổng thống Mỹ cũng không có ý định khuấy động thị trường tài chính hoặc làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư khi ông đang tiến hành chiến dịch tái tranh cử năm 2020.

"Trump chịu áp lực nặng nề từ ngành công nghiệp và quốc hội Mỹ, những người muốn các mâu thuẫn Mỹ - Trung được giải quyết và thuế quan được gỡ bỏ", Eswar Prasad, nhà kinh tế của Đại học Cornell, nói.

Ông Tập cũng sẽ không ký một thỏa thuận có thể bị coi là bất công đối với Trung Quốc, dù ông hiểu rằng một cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ sẽ gây tổn hại cho mức tăng trưởng của đất nước, cản trở sự phát triển của Trung Quốc và thậm chí gây bất ổn xã hội. "Hợp tác sẽ tốt cho lợi ích của cả hai nước, trong khi đối đầu làm tổn thương cả hai", ông Tập nói trong cuộc điện đàm ngày 11/6 với ông Trump.

Bắc Kinh đã tìm kiếm thêm đòn bẩy trước G20 bằng chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập, thể hiện ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng. Ông Tập muốn ám chỉ rằng ông có thể giúp đạt được tiến bộ về thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên - mục tiêu quan trọng của Trump. Năm 2017, ông Trump từng hứa hẹn nếu ông Tập giúp mình đạt được tiến bộ với Triều Tiên, Trung Quốc sẽ có được thỏa thuận thương mại tốt hơn.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết vấn đề Huawei có thể được đem ra thảo luận tại cuộc gặp. Tháng trước, Mỹ ra lệnh cấm Huawei mua linh kiện Mỹ và cung cấp thiết bị viễn thông cho doanh nghiệp Mỹ do lo ngại Huawei do thám cho Bắc Kinh. Trump có thể đề xuất nới lỏng các hạn chế đối với Huawei theo cách vẫn bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ, không phải theo hướng đánh bại họ như một đối thủ cạnh tranh kinh tế.

"Trump từng nói rằng ông ấy muốn cạnh tranh công bằng", quan chức Mỹ cho biết. Trump đã khước từ nhiều điều mà các cố vấn thúc giục ông ấy làm và nói với họ rằng "miễn là sân chơi bình đẳng thì chúng ta hãy cạnh tranh với nhau".

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)

Nổi bật