Mới đây, một cửa hàng bí ẩn ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc đã khiến lực lượng chức năng phải vào cuộc điều tra sau khi đưa ra lời quảng cáo gây tò mò.
Cụ thể, theo SCMP, cửa hàng trên được mọi người chú ý khi đưa ra tấm áp phích quảng cáo với nội dung “phòng thử thách kỷ luật tự giác” với lời hứa treo thưởng 400.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 1,3 tỷ đồng) nếu khách hàng hạn chế sử dụng điện thoại di động ở mức ba phút mỗi ngày với thời gian trong 5 tuần.
Shangyou News cho hay, những người chấp nhận thử thách sẽ được hứa thưởng 400.000 nhân dân tệ tiền mặt nếu họ sử dụng thiết bị kỹ thuật số không quá 3 phút mỗi ngày trong 35 ngày và 300.000 nhân dân tệ (993 triệu) nếu chỉ đạt mức 1 tháng tức 30 ngày.
Theo đó, người tham dự sẽ được cung cấp phòng ở trong khách sạn miễn phí tại thành phố, được cấp ba bữa ăn một ngày và có thể mang theo đồ dùng giải trí phục vụ cho việc họ không sử dụng điện thoại, miễn là họ ở trong phòng của mình. Tất nhiên, người chơi vẫn được quyền mang theo điện thoại nhưng phải chịu sự giám sát vô cùng chặt chẽ.
Tuy nhiên, có một điểm lưu ý khiến nhiều người lo ngại đó là mỗi người chơi sẽ phải nộp khoản phí là 7.000 nhân dân tệ (23 triệu đồng) nếu muốn tham dự và khoản phí này sẽ không được hoàn lại.
Một nhân viên cửa hàng không được tiết lộ danh tính nói với Shangyou News rằng những người tham gia cũng sẽ phải ký một bản hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý.
Một người trong khu phố nói với hãng truyền thông địa phương Kandu News rằng cửa hàng trên đã khai trương được một tháng. Người này cũng cho biết đã có nhiều vị khách hỏi về trò chơi nhưng không biết đã có ai đăng ký hay chưa. Tuy nhiên, ngay sau khi những thông báo về trò thử thách được chia sẻ đã ngay lập tức gây xôn xao trên mạng xã hội đại lục.
Trong khi rất nhiều người cảm thấy hứng thú và muốn tham gia trò chơi thì một vài người khác lại tỏ ý nghi ngờ rằng đây là một hình thức lừa đảo.
“Thử thách rất hấp dẫn đối với tôi. Tôi cũng không được dùng điện thoại tại nơi làm việc và cũng chỉ kiếm được vài nghìn nhân dân tệ mỗi tháng.” Một cư dân mạng tỏ ý thích thú.
“Bạn phải trả phí thì mới được tham gia vào thử thách và bạn sẽ phát hiện ra rằng tất cả mọi người đã biến mất vào ngày thứ 34.” Người khác nghi ngờ.
“Chắc chắn đây là một cái bẫy.” Người thứ 3 khẳng định.
“Mặc dù thử thách có thể là thật, nhưng tôi không nghĩ rằng mình sẽ thành công nếu tham gia. Thử tưởng tượng bạn sẽ ra sao nếu bạn gần như không liên lạc với thế giới bên ngoài trong một tháng.” Một cư dân mạng lo ngại.
Trong khi đó, đại diện cơ quan quản lý giám sát thị trường địa phương nói với Shangyou News rằng họ đã nắm được tình hình và đang mở một cuộc điều tra cửa hàng trên.
Theo Kandu News, đến ngày 26/8 vừa qua, tấm áp phích quảng cáo phía trên cửa hàng đã được chủ nhân gỡ xuống.
Kỷ luật tự giác đã trở thành một sản phẩm thương mại ngày càng phổ biến ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Trên các nền tảng thương mại điện tử ở đại lục, mọi người trả tiền để được người khác giám sát khi học qua ứng dụng gọi điện video.
Hầu hết các dịch vụ này đều có giá chỉ vài chục nhân dân tệ cho 10 giờ “quản lý” riêng từ một người đi kèm được chỉ định. Theo SCMP, những dịch vụ này được ưa chuộng bởi những sinh viên phải đối mặt với áp lực rất lớn để đạt thành tích học tập xuất sắc.
QT (SHTT)