Tảng đá kỳ lạ
Vào một ngày hè nóng nực năm 1991, lão Lý, một nông dân ở Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc lên núi đốn củi và hái rau thơm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Như mọi ngày, ông ta cầm theo chiếc rìu gỗ và đi đến ngọn đồi bên ngoài ngôi làng của mình.
Thời tiết càng lúc càng nóng tới không chịu nổi, lão nông vừa bắt đầu chưa bao lâu đã đổ mồ hôi đầm đìa. Ông ta nhìn quanh chợt thấy một tảng đá lớn đằng trước. Chỗ đó vừa hay có bóng cây che, lão Lý có thể tranh thủ nghỉ ngơi. Nào ngờ, ông ta vừa đặt mông xuống đã vội đứng dậy bởi một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng khiến lão Lý phải cau mày.
Lão nông quay lại nhìn tảng đá thì thấy nó có màu xám đen rất lạ mắt. Bề mặt của nó rất mịn màng và nhẵn nhụi. Lão Lý chợt giật mình nhận ra tảng đá này khác biệt hoàn toàn với những tảng đá xung quanh.
Mặc dù lão Lý không có nhiều kiến thức về các loại đá, nhưng ông ta mơ hồ cảm giác thứ này có gì đó rất đặc biệt. Ông ta lấy cái rìu đập đập vào tảng đá thì nó phát ra âm thanh giòn và đanh.
Lão Lý nhận thấy đây có thể là một "viên ngọc" quý hiếm nên vội chạy về làng và kể cho những người khác về phát hiện này. Tin tức vừa lan truyền, dân làng đã bàn tán rất nhiều và ai cũng muốn được nhìn thấy tận mắt.
Sáng sớm hôm sau, lão Lý cùng một nhóm thanh niên lực lưỡng lên đồi đào tảng đá này mang về làng. Không ngờ, tảng đá này rất cứng, họ đã phải tốn rất nhiều công sức mới đào ra được một khối nhỏ. Cuối cùng, hầu hết người dân trong làng đều kéo đến giúp đỡ. Người già và cả phụ nữ, ai nấy tay cầm cuốc, xẻng cùng đào tảng đá khổng lồ.
Dân làng đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như dùng ròng rọc, bò và cả ngựa để kéo. Sau nhiều giờ nỗ lực, tảng đá cuối cùng đã được đưa về làng. Ngay lúc họ đang hò reo vui mừng thì trưởng thôn đã đến và khiển trách lão Lý vì việc đào bới tài sản công khi chưa được phép.
Lúc này, lão Lý đã nhận ra sai lầm của mình nên ông ta nhanh chóng hô hào mọi người tìm chỗ đặt tảng đá để chờ quyết định của các lãnh đạo cấp trên.
Sau khi trưởng thôn báo cáo tình hình, cơ quan quản lý địa phương đã cử một nhóm chuyên gia đến xác minh tình hình.
Lai lịch bất ngờ của tảng đá kỳ lạ
Theo nhận định của nhóm chuyên gia, đây là một tảng đá alexandrite quý hiếm trên thế giới. Tảng đá alexandrite này có kích thước rất lớn, dài khoảng 8m, rộng tới 4m và ước tính nặng hơn 100 tấn.
Đá Alexandrite là một loại khoáng vật cực hiếm, có khả năng biến đổi màu sắc. Thông thường, dưới ánh sáng mặt trời thì đá Alexandrite mang màu sắc của ngọc lục bảo. Ngược lại, khi dưới ánh sáng đèn điện thì nó mang màu sắc của đá Ruby.
Dựa theo khoa học, Alexandrite là loại đá quý được tạo từ một loại khoáng chất có tên là chrysoberyl. Khoáng chất chrysoberyl không màu hoặc có màu vàng suốt. Chrysoberyl mắt mèo và khoáng vật Alexandrite đổi màu. Đá Alexandrite được coi là một trong những loại đá quý hiếm nhất trên thế giới. Vì khả năng tự đổi màu tùy vào ánh sáng ban ngày hay ban đêm. Với khả năng tự đổi màu này, đá Alexandrite được xem là loại đá có màu sắc kép. Trải qua cả thế kỷ nhưng chúng càng ngày càng hiếm có.
Theo các chuyên gia, trong truyền thuyết của địa phương có nhắc tới, đá Alexandrite là bảo vật do Long tộc. Các truyền thuyết xưa kể lại rằng, loại đá này chứa đựng linh lực vô tận, có truyền thuyết nói rằng nó sẽ hóa thành rồng và bay lên trời sau khi tu tập đủ.
Sau khi biết đây là tảng đá quý, chính quyền địa phương vô cùng đau đầu vì chưa biết xử lý nó thế nào. Họ không thể để một báu vật quý hiếm như vậy dầm mưa dãi nắng. Sau nhiều lần họp, họ đã nhất trí sẽ biến tảng đá này thành một tác phẩm nghệ thuật để đời. Cuối cùng, ông Vương, một bậc thầy về điêu khắc của tỉnh được chọn là người chủ trì dự án và hoàn thành nhiệm vụ này. Ông Vương là nghệ nhân chạm khắc của tỉnh, ông đã có hơn 60 năm kinh nghiệm trong nghề.
Ông Vương cùng nhóm thợ của mình đã mất tới 6 năm nỗ lực không ngừng nghỉ mới có thể hoàn thành kiệt tác này. Tác phẩm lấy cảm hứng từ những nghiên mực thời xưa này được đặt tên là "Trung hoa long đằng nghiễn". Kiệt tác này được tạo hình như một nghiên mực khổng lồ bên trên chạm khắc 56 con rồng tượng trưng cho 56 dân tộc của Trung Quốc. Các chi tiết về thân hình, móng và vảy rồng được thực hiện rất sức tinh xảo. Ngoài ra, bên trên còn khắc nhiều con rùa và long quy. Sau khi được công bố rộng rãi, tác phẩm nghệ thuật độc đáo này đã thu hút sự chú ý của người dân.
Một đại gia ở Sơn Đông được cho là đã chi số tiền khổng lồ để sưu tầm và chịu trách nhiệm bảo tồn tác phẩm này. Tảng đá này sau đó đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, đồng thời phá kỷ lục Guinness về tảng đá mực lớn nhất và đẹp nhất. Theo đánh giá của các chuyên gia, giá trị của tác phẩm này là khoảng 200 triệu NDT (hơn 660 tỷ đồng).
Theo Nguyệt Phạm (Phụ Nữ Số)