Với thay đổi này, Pháp sẽ trở thành quốc gia có độ tuổi bắt buộc đến trường ở trẻ em thấp nhất tại châu Âu. Theo BBC, độ tuổi đi học ở châu Âu phần lớn là 6 tuổi, trừ Bắc Ireland (4 tuổi), Anh, Malta, Scotland, Xứ Wales, Cộng hòa Síp (5 tuổi), Bulgaria, Estonia, Phần Lan, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Serbia, Thụy Điển (7 tuổi).
Tuy nhiên, theo số liệu của chính phủ Pháp, chỉ 2,4% trẻ em tại Pháp hiện chưa đi học từ 3 tuổi, vì đa số các gia đình ở nước này đã chọn cho con đi học sớm, thay vì 6 tuổi theo quy định chung.
Tổng thống Macron cho biết thay đổi này nhằm giảm thiểu sự bất bình đẳng trong giáo dục, khi các gia đình ở vùng quê nghèo và các vùng lãnh thổ bên ngoài của Pháp ít khi cho con đi học sớm.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 27.3, ông Macron nhấn mạnh: "Với quy định này, từ đầu năm học 2019, chúng ta có thể sửa chữa sự chênh lệch không thể chấp nhận trên". Ông hứa hệ thống trường mầm non sẽ ngày càng chứng tỏ là một nền móng quan trọng của hệ thống giáo dục Pháp..
Theo BBC, có rất nhiều cuộc tranh luận về độ tuổi đến trường ở trẻ. Một nghiên cứu vào năm 2015 chỉ ra rằng trẻ đi học muộn có xu hướng ít hiếu động và thiếu tập trung ở lớp hơn. Tuy nhiên, Phần Lan, Ba Lan và Estonia, 3 nước được đánh giá có nền giáo dục học thuật thành công nhất ở châu Âu lại có quy định cho trẻ đi học từ 7 tuổi.
Theo Ngọc Mai (Thanh Niên Online)