Các bác sĩ cho biết ông Bennett quá ốm yếu nên không đủ điều kiện để cấy tim nhân tạo hoặc đợi được ghép tim người. Nhưng tình trạng của ông rất tốt vào ba ngày sau ca phẫu thuật mang tính thử nghiệm kéo dài tới bảy giờ.
Các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật ghép tim lợn cho ông David Bennett |
Ghép tim lợn là hy vọng cuối cùng để cứu sống Bennett, nhưng không rõ cơ hội sống lâu dài của ông là bao nhiêu. Ca phẫu thuật này, được nhiều người ca ngợi là một bước đột phá trong y học, giúp giảm thời gian chờ đợi ghép tạng và mang lại lợi ích cho bệnh nhân trên khắp thế giới. Nhưng một số người đã đặt câu hỏi liệu phương pháp này có phù hợp về mặt luân lý, đạo đức hay không. Họ nêu ra ba vấn đề tiềm ẩn về sự an toàn của bệnh nhân, quyền động vật và các quan ngại về tôn giáo.
Vấn đề y học
Trước hết, đây là một ca phẫu thuật thử nghiệm, nó gây ra những rủi ro rất lớn cho bệnh nhân. Ngay cả những bộ phận cơ thể người phù hợp cũng có thể gây phản ứng đào thải sau khi cấy ghép, các bộ phận cơ thể động vật thì rủi ro càng cao hơn. Mấy chục năm qua, các bác sĩ đã thử nghiệm dùng nội tạng động vật để “xenotransplantation” (cấy ghép khác loài), nhưng tỷ lệ thành công không cao. Năm 1984, các bác sĩ Mỹ ở California đã cố gắng cứu sống một bé gái bằng cách sử dụng tim khỉ đầu chó để ghép, nhưng cháu bé đã chết 21 ngày sau đó.
Bất chấp những rủi ro to lớn của phương pháp này, một số nhà y đức cho biết nếu bệnh nhân hiểu được những rủi ro thì vẫn có thể được thực hiện. Giáo sư Savulescu, Chủ tịch của Trung tâm Đạo đức Thực hành Oxford Uehiro cho rằng, người ta không bao giờ có thể chắc chắn một người bệnh sẽ bị tử vong ngay sau khi điều trị, nhưng ta không thể không phẫu thuật chỉ vì rủi ro. Ông nói thêm: “Miễn là người bệnh hiểu được tất cả các rủi ro, tôi cho rằng mọi người cần đồng tình với thử nghiệm táo bạo này”.
Giáo sư Savulescu nói, điều quan trọng là phải cung cấp cho họ tất cả các lựa chọn, bao gồm hỗ trợ tim cơ học hoặc cấy ghép nội tạng người. Đội ngũ y tế điều trị cho Bennett cho biết họ có lý do để biện minh cho tính hợp lý của ca phẫu thuật này vì bệnh nhân không có lựa chọn điều trị nào khác và sẽ chết nếu không được ghép tim ngay.
Giáo sư Savulescu cho biết bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng phải trải qua một quy trình "thử nghiệm tế bào người và động vật rất nghiêm ngặt" để đảm bảo an toàn. Việc ghép tim cho Bennett không phải là một phần của thử nghiệm lâm sàng, mà được yêu cầu cho một cuộc điều trị thử nghiệm. Đồng thời, loại thuốc mà ông đang dùng cũng chưa được thử nghiệm trên các loài linh trưởng khác.
Về quyền của động vật
Cách điều trị cho ông Bennett cũng làm dấy lên cuộc tranh luận về việc sử dụng khí quan lợn làm nguồn cấy ghép cho người, nhiều nhóm bảo vệ quyền động vật đã bày tỏ phản đối. Trong số đó, “Đấu tranh vì sự đối xử có đạo đức với động vật” (People for the Ethical Treatment of Animal - PETA) đã lên án việc ghép tim lợn cho Bennett, gọi đó là hành động “vô đạo đức, nguy hiểm và lãng phí tài nguyên lớn lao”.
Ông Bennett (phải) và bác sĩ ba ngày sau ca phẫu thuật |
Theo PETA, động vật là những sinh vật phức tạp và thông minh, không phải là kho chứa công cụ để con người "tùy tiện cướp bóc". Các nhà hoạt động vì quyền động vật nói rằng thật là sai lầm khi biến đổi gen động vật để khiến chúng giống con người hơn. Các nhà khoa học đã chỉnh sửa 10 gen trước khi ghép tim lợn cho Bennett để đảm bảo nó không bị cơ thể đào thải.
Quả tim lợn được lấy ra vào sáng ngày phẫu thuật. Người phát ngôn của Animal Aid, một nhóm bảo vệ quyền động vật của Anh, tuyên bố họ phản đối việc biến đổi gen hoặc cấy ghép động vật “trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Nhóm này cho rằng động vật có quyền sống cuộc sống của chính mình và không phải trải qua tất cả những đau đớn và chấn thương của việc chỉnh sửa gen chỉ để bị giết và lấy nội tạng của chúng.
Và về vấn đề tôn giáo
Một câu hỏi hóc búa khác mà việc ghép tạng động vật cho người có thể đặt ra là phải làm gì với những người không thể nhận tạng động vật vì tín ngưỡng tôn giáo của họ. Các nhà khoa học đã chọn lợn vì nội tạng của chúng có kích thước tương tự như con người, cũng vì lợn là loài động vật tương đối dễ nuôi và sinh sản. Nhưng sự lựa chọn như vậy ảnh hưởng như thế nào đến một bệnh nhân Do Thái hoặc Hồi giáo, vì tôn giáo của họ có những quy định nghiêm ngặt đối với loài lợn.
Tiến sĩ Friedman ở Ủy ban Tư vấn Đạo đức và Luân lý của Bộ Y tế Anh cho biết, mặc dù luật pháp Do Thái nghiêm cấm người Do Thái nuôi và ăn thịt lợn, nhưng việc nhận ghép tim lợn “không vi phạm điều luật ăn kiêng nào của người Do Thái”. Friedman cũng nói rằng vì mối quan tâm hàng đầu của Do Thái giáo là bảo vệ cuộc sống của con người, bệnh nhân Do Thái cũng sẽ chấp thuận ghép tạng động vật nếu được mang lại cơ hội sống cao nhất và chất lượng cuộc sống trong tương lai.
Đạo Hồi (Islam) cũng có giới hạn, cho phép sử dụng nguyên liệu động vật nếu nó cứu được mạng sống cho con người. Ủy ban Giáo luật Ai Cập (Dar al-Ifta) cho biết trong một sắc lệnh Hồi giáo rằng cho phép sử dụng van tim lợn nếu có “nỗi lo lắng về tính mạng của bệnh nhân, mất một trong các cơ quan, bệnh tình nặng thêm hoặc toàn bộ cơ thể xấu đi”.
BBC tiếng Trung
Theo Thu Thuỷ (Tiền Phong)