Tranh cãi về 'thành công vang dội' khi công du châu Á của Trump

16/11/2017 11:14:36

Những thành tựu Tổng thống Mỹ tuyên bố đạt được trong chuyến công du không được chứng minh bằng kết quả rõ ràng.

Tranh cãi về 'thành công vang dội' khi công du châu Á của Trump
Tổng thống Trump phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng về kết quả chuyến công du châu Á. Ảnh: NYTimes.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua tuyên bố chuyến công du châu Á của ông đã "thành công vang dội" khi thuyết phục được các nước khác mua nhiều hàng hóa hơn từ Mỹ, tái đàm phán những thỏa thuận thương mại có lợi hơn cho người Mỹ và tiếp tục gây áp lực lên chương trình hạt nhân Triều Tiên, theo USA Today.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những thành quả mà ông Trump liệt kê sau chuyến công du chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của người dân Mỹ, mà chúng chỉ phản ánh nỗi khát khao được trọng vọng của ông chủ Nhà Trắng.

Ngay sau khi rời Philippines, kết thúc chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng nước Mỹ hãy chờ đón một "thông báo lớn" khi ông trở về. Dòng tweet này của ông Trump đã tạo nên kỳ vọng rất lớn trong dư luận, khi nhiều người cho rằng Mỹ đã đạt được một biện pháp mang tính đột phá với vấn đề Triều Tiên hoặc một thỏa thuận thương mại lớn nào đó.

Thế nhưng trong cuộc họp báo hôm qua ở Nhà Trắng, ông Trump chỉ gần như liệt kê lại những việc mình đã làm khi tới thăm 5 quốc gia châu Á mà không đưa ra được bất cứ "thông báo lớn" nào xứng với kỳ vọng.

Bình luận viên David A. Graham của Atlantic cho rằng nếu đánh giá một cách công bằng, chuyến công du dài ngày của ông Trump không phải là vô ích. Ông đã truyền đi được thông điệp rằng nước Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên và sẽ cứng rắn hơn với tình trạng "thương mại bất bình đẳng".

Theo Graham, ngoài một số "thành tựu nhỏ" như việc Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí tăng chi tiêu quốc phòng để giảm gánh nặng an ninh cho Mỹ cùng các hợp đồng trị giá hàng trăm tỷ USD giữa doanh nghiệp Mỹ với công ty nước ngoài, ông Trump không nêu bật được bất cứ thành tựu lớn nào khác.

Tổng thống Trump nói rằng Nhật Bản đã đồng ý mua các khí tài hiện đại của Mỹ trị giá nhiều tỷ USD, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng một thương vụ như vậy nếu xảy ra cũng sẽ mất nhiều năm. Tới nay Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc, đơn vị giám sát các thương vụ bán vũ khí cho nước ngoài, chưa nhận được bất cứ thông báo nào về một thỏa thuận như vậy.

Những hợp đồng kinh tế mà ông Trump mang về sau chuyến đi có giá trị tương đối nhỏ so với quy mô nền kinh tế khổng lồ của Mỹ. Còn trong hai vấn đề quan trọng nhất là cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên và tình trạng thâm hụt thương mại, Tổng thổng Trump không có nhiều kết quả để thông báo.

Ông Trump nói rằng Nhật Bản và Hàn Quốc đã siết chặt lệnh cấm vận đối với một số tổ chức của Triều Tiên, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình "cũng thừa nhận rằng Triều Tiên là mối đe dọa lớn với Trung Quốc". "Chúng ta đã chấm dứt chính sách kiên nhẫn chiến lược bao gồm cả những lệnh trừng phạt mới từ Hội đồng Bảo an", Tổng thống Mỹ nói, đề cập đến chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên của người tiền nhiệm Obama.

Tranh cãi về 'thành công vang dội' khi công du châu Á của Trump - 1
Ông Trump và ông Tập trong chuyến thăm ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, Graham chỉ ra rằng ông Trump không có gì để chứng minh cho thành công đó, khi Triều Tiên vẫn tiếp tục thử tên lửa và chưa có một bước đột phá nào trong việc đưa quốc gia này trở lại bàn đàm phán. Theo chuyên gia này, vấn đề Triều Tiên cần được giải quyết một cách lâu dài, chứ không phải bằng một "tuyên bố lớn".

Vấn đề thương mại

Giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các nước đối tác được coi là một trọng tâm trong chuyến công du châu Á của ông Trump. "21 lãnh đạo APEC lần đầu tiên thừa nhận tầm quan trọng của thương mại bình đẳng và có đi có lại", ông Trump tuyên bố về kết quả chuyến đi. "Họ nhận ra nhu cầu xử lý các biện pháp thương mại bất công và thừa nhận rằng WTO đang rất cần phải cải cách".

Graham cho rằng từ sự thừa nhận ấy tới quá trình cải cách của WTO sẽ còn một khoảng cách rất xa, trong khi ông Trump chưa vạch ra được những biện pháp vững chắc để hiện thực hóa điều đó.

Ông Trump cũng đổ lỗi cho những người tiền nhiệm đã để cho nước Mỹ bị lợi dụng trong vấn đề thương mại, thay vì chỉ trích những quốc gia đang có thâm hụt thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, ông không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cho thấy ông đang làm tốt hơn những nhà lãnh đạo Mỹ trước đây để giải quyết vấn đề này.

Trong thực tế, bình luận viên Linda Qiu của NYTimes chỉ ra rằng trong 9 tháng đầu tiên nắm quyền của ông Trump, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ là 405 tỷ USD, cao hơn so với con số 370 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Bởi vậy, cuộc họp báo thông báo về "thành tựu lớn" trong chuyến công du của ông Trump trở thành buổi thuyết trình về các chặng dừng chân của ông, từ Hawaii cho tới Philippines, trong đó có khoảnh khắc gây chú ý khi ông Trump dừng lại để tìm chai nước và đưa lên miệng uống.  

Graham cho rằng cuộc họp báo này là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ đang rất khao khát được ghi nhận những thành tích của mình và nhận được sự trọng vọng từ người dân, báo chí và chính giới. Tuy nhiên, khi không được chứng minh bằng những kết quả rõ ràng, vững chắc, những thành tựu sau chuyến công du châu Á mà ông Trump tuyên bố vẫn còn thiếu tính thuyết phục, chuyên gia này nhận định.

Theo Trí Dũng (VnExpress.net)

Nổi bật