Nhà thờ Đức Bà Paris bị thiệt hại gì trong vụ cháy?
Nước Pháp đang huy động mọi nguồn lực để phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy mới đây. Xây dựng Nhà thờ Đức Bà sẽ như thế nào? Nên giữ lại “hồn xưa” hay hiện đại hóa nhà thờ mới là vấn đề đang gây tranh luận trong dư luận Pháp hiện nay.
Hàng loạt các tờ báo ở Pháp số ra hôm qua (19/4) đồng loạt đăng tải các bài viết về việc nên giữ lại hồn xưa hay hiện đại hóa nhà thờ hàng trăm năm tuổi này.
Trên trang nhất của Le Figaro là bức hình Nhà thờ Đức Bà Paris chụp từ trên cao với tiêu đề “Nhà thờ Đức Bà: Câu hỏi về tái thiết”. Xây dựng lại y như cũ hay mạnh dạn có sáng tạo về kiến trúc?”. Tờ Le Figaro dẫn lại câu nói của Eugène Viollet-le-Duc, kiến trúc sư nổi tiếng thế kỷ 19 đã trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris cho rằng, việc phục dựng giống hệt như trước là điều gần như không thể thực hiện được. Việc thẩm định những hư hại và giữ ổn định địa điểm sẽ mất rất nhiều thời gian và khó có thể hoàn thành trong 5 năm. Người nghệ sĩ phải hoàn toàn nép mình phía sau. Đây không phải là làm nghệ thuật, mà là tuân thủ theo nghệ thuật của một thời đại đã đi vào dĩ vãng.
Tương tự, báo Le Monde đặt vấn đề có nên phục dựng Nhà thờ Đức Bà y như cũ hay không? Trong bài viết mang tên “Vì một Vương cung Thánh đường của thế kỷ 21”, Le Monde đánh giá cao quyết tâm của Tổng thống Pháp Macron khi ông cho biết sẽ “trùng tu Nhà thờ Đức Bà đẹp hơn trước” nhưng cho rằng cần thận trọng, bởi đó là một di sản độc đáo, chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử và là một hình ảnh đã bắt rễ lâu đời qua nhiều thế hệ người dân Paris.
Còn đối với nhiều người dân Paris, vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà khiến họ không khỏi tự trách bản thân. Họ - những công dân Paris đã không biết bao lần đi qua nhà thờ, cứ nghĩ lần khác sẽ vào thăm và thảnh thơi đi dạo ở đâu đó. Cuộc sống tất bật cứ cuốn lấy họ và cơ hội vào thăm nhà thờ cứ lần lượt trôi đi. Bỗng nhiên, vụ hỏa hoạn xảy ra và giờ đây họ thực sự cảm thấy nuối tiếc. Nhiều người có tư tưởng hoài cổ cho rằng không nên thay đổi kiến trúc đã có của Nhà thờ mà nên phục dựng lại như cũ.
Một số dòng trạng thái đăng tải trên trang Twitter cá nhân của người dân Paris nhấn mạnh những nội dung như sau: “Chính phủ Pháp đã công bố cuộc thi thiết kế Nhà thờ Đức Bà. Các kiến trúc sư hiện đại, những người không quan tâm đến di sản, đến vẻ đẹp hoặc truyền thống thì đừng nên tham gia cuộc thi”.
“Điều gì đã xảy ra với Nhà thờ Đức bà trước đây? Tại sao bạn lại muốn thiết kế lại một cái gì đó như vậy? Nhà thờ nên được xây dựng lại theo tỷ lệ 1: 1, nếu không thì hãy thay nó bằng một công trình khác”.
Đại diện cho trường phái hoài cổ này - Nhà sử học nghệ thuật viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp Jean-Michel Leniaud thậm chí còn nhấn mạnh: “Việc phục dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris không phải là cơ hội cho các kiến trúc sư sáng tạo phô diễn các ý tưởng sáng tạo của họ bởi nó sẽ sớm lỗi thời sau 30 năm nữa. Chúng ta nên quay trở lại kiến trúc nguyên thủy, phần mái của thời kỳ Trung cổ. Cách tốt nhất để chế ngự thảm họa kinh khủng này là đưa nó về trạng thái nguyên thủy.”
Còn đối với những người theo trường phái hiện đại, sử dụng các kỹ thuật hiện đại để phục dựng công trình cổ mang phong cách kiến trúc Gothic lừng danh 850 năm tuổi này, cũng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Theo Giáo sư danh dự về lịch sử trung cổ, chuyên nghiên cứu về Nhà thờ Đức Bà Reims, ông Patrick Demouy, ông ủng hộ việc khôi phục phần mái nhà thờ Đức Bà Paris như nó vốn có song ông cũng không phản đối việc sử dụng các kỹ thuật hiện đại để phục dựng công trình cổ này. Dẫn chứng về việc phục dựng Nhà thờ Đức Bà Reims - một ví vụ điển hình cho kiến trúc Gothic nằm ở trung tâm thị trấn Reims – cũng từng chịu thiệt hại nặng nề trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất tương tự vụ cháy ở Nhà thờ Đức Bà Paris và đã được phục dựng lại sau đó bằng những kỹ thuật hiện đại vào thời điểm nó được trùng tu.
Ông Demouy nói: “Các nhà thờ của chúng ta đã chịu thiệt hại nặng nề do cháy và chiến tranh. Khi chúng ta khôi phục chúng, chúng ta thực hiện bằng cách sử dụng phương thức của thời đại và thậm chí còn tôn tạo chúng trong hàng thế kỷ. Có những bàn thờ từ thế kỷ thứ 18 song lại có những cửa sổ kính màu từ thế kỷ thứ 19. Đó là điều bình thường. Những nhà thờ đó đến nay vẫn tồn tại. Đối với tôi, không có gì là bất bình thường khi chúng ta áp dụng kỹ thuật xây dựng của thế kỷ 21 để trùng tu một công trình có từ thế kỷ thứ 13. Đó chính là cuộc sống.”
Cũng theo Giáo sư Demouy, việc trung thành với kiến trúc mang phong cách Gothic thậm chí có gây ra vấn đề bởi số lượng cây sồi dùng để xây dựng phần mái nhà thờ đang giảm đi theo thời gian. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, để phục dựng lại phần mái nhà thờ như cũ sẽ cần đến từ 3.000 đến 5.000m3 gỗ sồi, tương đương 2.000 cây sồi.
Theo Hồng Nhung (Vov.vn)