Tranh cãi nổ ra hậu khủng hoảng 'kể hết' của Meghan Markle: Liệu Hoàng gia Anh còn có thể tồn tại sau thời Nữ hoàng Elizabeth II?

09/03/2021 22:31:56

"Quả bom" do Meghan Markle và Hoàng tử Harry kích nổ tại cuộc phỏng vấn mới đây đã làm dấy lên tranh cãi xoay quanh sự tồn tại của Hoàng gia Anh, ở thời điểm Nữ hoàng Elizabeth II không còn trị vì.

*Bài viết là nhận định của phóng viên Luke McGee, đăng tải trên CNN

Có thể ví cuộc phỏng vấn của Harry và Meghan Markle với nữ hoàng TV shows Hoa Kỳ Oprah Winfrey giống như một vụ nổ với Hoàng gia Anh vậy. Và sau quả bom ấy, những câu hỏi không thể né tránh đã xuất hiện, liên quan đến sự tồn tại của Hoàng gia Anh và chế độ quân chủ lập hiến trong thế kỷ 21.

Thực sự không thể phủ nhận rằng cuộc phỏng vấn ấy đã mang đến những thông tin hết sức nghiêm trọng. Meghan Markle cho biết trong thời gian còn là thành viên của gia tộc, cô đã nhiều lần nghĩ đến việc tự tử, đồng thời chia sẻ một số thành viên cấp cao trong Hoàng gia Anh đã có những cuộc trò chuyện với lời lẽ phân biệt chủng tộc, nhắm vào màu da của Archie - con trai cô với Harry.

Chính Harry cũng chia sẻ rằng việc thiếu đi sự hỗ trợ và thấu hiểu trong cuộc sống hoàng gia đã khiến cả hai chịu nhiều áp lực tâm lý. Thậm chí, anh cho rằng những cuộc tấn công của báo chí truyền thông hoàn toàn có thể đến từ chính nội bộ hoàng gia.

Tranh cãi nổ ra hậu khủng hoảng 'kể hết' của Meghan Markle: Liệu Hoàng gia Anh còn có thể tồn tại sau thời Nữ hoàng Elizabeth II?
Hoàng gia Anh rối bời vì bài phỏng vấn của Meghan Markle và Harry

Các thông tin đưa ra trong cuộc phỏng vấn khiến người nghe có thể vẽ nên một bức tranh, về một thể chế thiếu linh hoạt và không còn phù hợp trong thế kỷ 21, khiến người trong cuộc không thể đối mặt với những thách thức vốn có của một biểu tượng công chúng. Năm 2018, nhiều người cho rằng sự kết hợp của cặp đôi này là một bước tiến lớn dành cho gia tộc lâu đời và nổi tiếng nhất hành tinh. Còn nay, tất cả chỉ còn là bi kịch, theo lời những người chứng kiến.

"Harry và Meghan từng là những ngôi sao có khả năng mang đến những điều tích cực cho gia tộc trong việc hiện đại hóa," - trích lời Kate Williams, nhà sử học Hoàng gia và là giáo sư lịch sử ĐH Reading (Anh). "Thực tế phơi bày trong cuộc phỏng vấn là họ không có lựa chọn nào ngoài việc rời đi, vì gia tộc đã không thể giúp đỡ họ trong vấn đề phân biệt chủng tộc, cùng những rắc rối liên quan đến tinh thần."

Tranh cãi nổ ra hậu khủng hoảng 'kể hết' của Meghan Markle: Liệu Hoàng gia Anh còn có thể tồn tại sau thời Nữ hoàng Elizabeth II? - 1
Harry và Meghan Markle trong cuộc phỏng vấn với Oprah Winfrey

Câu chuyện này hiển nhiên sẽ là chủ đề chính cho rất nhiều bài bình luận sau đó. Trong khi đa số công chúng đều tỏ ra ủng hộ Nữ hoàng Elizabeth II cùng nền quân chủ bà đang trị vì, vấn đề nằm ở chỗ sau thời đại của bà, chuyện gì sẽ xảy ra?

Liệu Hoàng gia Anh còn có thể tồn tại?

"Nhìn tổng quan, sự ủng hộ dành cho nền quân chủ và Nữ hoàng là rất lớn," - Joe Twyman, giám đốc công ty tư vấn Deltapoll cho biết. Tuy nhiên, ông lưu ý Nữ hoàng rất khác với các thành viên của gia tộc. Bà khá kiệm lời, hiếm khi đưa ra quan điểm về bất kỳ thứ gì.

Thái tử Charles thì khác. Ông từng nói rất nhiều về môi trường, biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác nữa. Quan trọng hơn là qua cuộc phỏng vấn trên, thế hệ trẻ sẽ nghĩ như thế nào về hoàng gia.

"Trong giới trẻ, sự ủng hộ cho Meghan Markle cũng tương đương với Công nương Kate - một người truyền thống hơn. Lượng người già ủng hộ Kate thì nhiều hơn hẳn," - Twyman giải thích. "Chúng ta không rõ là liệu qua thời gian, tuổi tác có khiến quan điểm của họ thay đổi. Nhưng nhiều khả năng là đang tồn tại một thế hệ tin rằng phụ nữ hoàng gia cần lên tiếng về các vấn đề như nữ quyền và bệnh tâm lý, thay vì im lặng. Đối với thế hệ này, việc phải cúi mình mỗi lần gặp bà nội (giống như các thành viên hoàng gia khi gặp Nữ hoàng) là điều khá điên rồ."

Tranh cãi nổ ra hậu khủng hoảng 'kể hết' của Meghan Markle: Liệu Hoàng gia Anh còn có thể tồn tại sau thời Nữ hoàng Elizabeth II? - 2

Mối lo ngại này sẽ gia tăng hơn nữa vì bê bối "phân biệt chủng tộc" với màu da của Archie từ trước khi cậu bé ra đời. Đây thực sự là một thảm họa truyền thông với Hoàng gia Anh - gia tộc đứng đầu trong Khối thịnh vượng chung. Có khả năng, vai trò của Hoàng gia Anh trong khối sẽ bị tước bỏ, sau thời Nữ hoàng.

Đối với nhiều người, thực chất sắc tộc của Meghan vốn cũng là một chủ đề nóng khi cô bước vào Hoàng gia Anh. Nó cho thấy ý tưởng hiện đại hóa nền quân chủ vẫn chỉ là mộng tưởng. mà thôi.

"Cá nhân tôi nghĩ, những ồn ào xoay quanh đám cưới (của Harry và Meghan), cho rằng đó là thời khắc tuyệt vời để Hoàng gia trở nên hòa nhập hơn nay bị vạch trần là điều tốt," - theo Kehinde Andrews, giáo sư tại ĐH City, Birmingham. "Nó cho thấy việc phân biệt chủng tộc có tồn tại trong xã hội Anh và mức độ đứng ngoài sự việc của hoàng tộc. Việc im lặng và giữ hình ảnh hóa ra quan trọng hơn là làm điều gì đó."

Tranh cãi nổ ra hậu khủng hoảng 'kể hết' của Meghan Markle: Liệu Hoàng gia Anh còn có thể tồn tại sau thời Nữ hoàng Elizabeth II? - 3

Đứng dưới góc độ truyền thông, cuộc phỏng vấn của Meghan và Harry đã nghiền nát khá nhiều nỗ lực của Hoàng gia Anh. Tuy Hoàng gia Anh vẫn chưa lên tiếng, thì việc 2 nhân vật cấp cao trong gia tộc sẵn sàng lên sóng chia sẻ về việc không được ủng hộ, thậm chí muốn chết, thực sự là quá kinh khủng.

Những người ủng hộ Hoàng gia Anh đã lên tiếng bác bỏ những lời chia sẻ của Meghan Markle. Dẫu vậy, đây chắc chắn là thời điểm không thể tệ hơn để nhiều người phải băn khoăn về tương lai của Hoàng gia Anh, thứ đang không hề đảm bảo khi Nữ hoàng không còn trị vì nữa.

Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)