Vô Giới là trang web Trung Quốc “cả gan” đòi ông Tập Cận Bình từ chức, theo báo Independent (Anh) dẫn lại thông tin từ báo Washington Post.
Trang nhất một tờ báo toàn đưa tin về ông Tập Cận Bình |
Chủ tịch TQ "nuông chiều bọn nịnh bợ"
Theo tờ báo Mỹ, rạng sáng 4.3, trang web Trung Quốc Vô Giới đã đưa một bức thư kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình từ chức “vì tương lai và vì nhân dân TQ”. Bức thư được ký là “các đảng viên Cộng sản trung thành”, phẫn nộ phê phán ông Tập “từ bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập thể”, thu vén quyền lực về tay ông và “nuông chiều bọn nịnh bợ”.
Bức thư sau đó bị gỡ xuống nhưng Washington Post đã tìm thấy bản ẩn của Vô Giới, trang web có chủ nhân là Tập đoàn truyền thông SEEC, Alibaba và chính quyền khu tự trị Tân Cương ở tây bắc TQ.
Bức thư vô danh còn viết: “Tuyên bố của ông Tập nói rằng báo chí phải phục vụ đảng, không phục vụ nhân dân đã khiến toàn dân xuống tinh thần”.
Hai tuần trước đó, ông Tập thăm và làm việc với 3 cơ quan báo chí nhà nước TQ là Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản TQ - CPC) và Đài truyền hình trung ương CCTV. Ở các cơ quan này, ông Tập chỉ đạo “giới truyền thông phải phản ánh ý chí của đảng, nêu lên quan điểm của đảng, bảo vệ quyền lực và tinh thần đoàn kết của đảng, hết lòng yêu mến, bảo vệ và hành động vì đảng”.
Nỗi sợ tái diễn 10 năm náo loạn của cuộc Cách mạng văn hóa
Tác giả bức thư “cán bộ đảng Cộng sản trung thành” còn viết: “Sự ham mê tôn sùng cá nhân của ông Tập và việc cấm bàn luận không chính đáng về trung ương khiến chúng tôi, những người đã trải qua cuộc Cách mạng văn hóa, phải lo ngại. Đảng ta, nước ta và nhân dân ta không thể chịu thêm 10 năm rối loạn nữa”.
Chỉ đạo của ông Tập đã dẫn đến sự thắc mắc về chủ trương truyền thông của ông. Bức thư kể trên là một trong những chứng cứ về sự thất vọng đối với lãnh đạo TQ và cho thấy sự dám lên tiếng nói bất chấp những nguy hiểm.
Trùm bất động sản về hưu Nhậm Chí Cường là một đảng viên CPC, nói thẳng rằng ông không thích quan điểm chỉ đạo của ông Tập: “Khi nào thì chính quyền của nhân dân trở thành chính quyền của đảng? Một khi giới truyền thông là một phần của một gia đình, thôi làm đại diện cho các quyền lợi của nhân dân, thì nhân dân sẽ bị bỏ qua một bên”.
Nhậm, 65 tuổi, là con nhà cách mạng, từng đi lính trong Quân đội giải phóng nhân dân TQ (PLA). Ông nổi tiếng với biệt danh “Nhậm Thần Công” vì ông có các bài viết thu hút 38 triệu cư dân mạng TQ trên mạng xã hội Sina Weibo. Các bài viết của ông thường mang nội dung góp ý nhiều chủ trương của đảng và nhà nước TQ, từ kinh tế tự do đến chính sách nhà ở.
Trong một bài viết, Nhậm kêu gọi giới truyền thông TQ phải phục vụ nhân dân chứ không phục vụ đảng: “Chớ nên dùng tiền dân đóng thuế để nuôi giới truyền thông chỉ để quảng bá cho CPC thay vì phục vụ nhân dân. Giả bộ hiểu biết tất cả là vừa xấu hổ, vừa nguy hiểm”.
Lời lẽ của Nhậm khiến giới truyền thông nhà nước phản ứng lập tức, buộc tội ông “vô ơn, gian ngoa bào chữa cho chủ nghĩa tư bản, có động cơ xấu”, trong một chiến dịch bêu riếu làm nhớ thời Mao Trạch Đông tiến hành cuộc Cách mạng văn hóa.
Một số người yêu cầu thu hồi thẻ đảng của Nhậm. Đảng bộ quận Tây Thành (ở Bắc Kinh) ra tuyên bố Nhậm vi phạm kỷ luật đảng, gây hại nghiêm trọng cho hình ảnh của đảng” và Nhậm sẽ bị “xử lý thích đáng”.
Trang mạng Thiên Long của bộ phận tuyên truyền thuộc thành ủy Bắc Kinh chỉ trích Nhậm kích động chủ nghĩa tư bản, âm mưu lật đổ chế độ, phê phán ông “chống đảng”, một tội nghiêm trọng ở TQ. Tựa bài viết này là “Ai cho phép Nhậm bạo gan chống đảng?” và gọi “Nhậm Thần Công chỉ là một kẻ ủy nhiệm cho bọn tư bản”. Tên của Nhậm lập tức bị kiểm duyệt trên các trang mạng xã hội, dù nó trở thành một từ được tìm kiếm nhiều nhất.
Trang mạng xã hội của Nhậm Chí Cường bị chặn |
Nhân viên Tân Hoa Xã đòi điều tra hoạt động của cơ quan kiểm duyệt
Ngày 7.3, một người tự nhận là Chu Phòng, cán bộ Tân Hoa Xã ở Bắc Kinh, công bố một lá thư ngỏ trên tài khoản mạng Weibo của ông, đề nghị chính quyền điều tra cơ quan kiểm duyệt xâm phạm quyền tự do ngôn luận.
Chu viết: “Sự quản lý lỗ mãng của cơ quan kiểm duyệt thông tin mạng đã khiến việc bày tỏ ý kiến lên mạng bị đàn áp, quyền tự do ngôn luận của công dân bị vi phạm nghiêm trọng”. Ông còn chỉ trích việc giới truyền thông nhà nước công kích ông Nhậm, xem sự công kích này là lập lại sự kiểm duyệt gắt gao thời Cách mạng văn hóa. Ông viết: “Người dân lo lắng và sợ hãi và họ mất lòng tin vào trung ương. Họ sợ sẽ có một cuộc Cách mạng văn hóa thứ hai”.
Chu cũng giới thiệu rõ thẻ công chức và số điện thoại của ông. Tân Hoa Xã xác nhận Chu từng là một biên tập viên, nay chuyển qua công việc hành chính.
Công dân phải được tự do góp ý với đảng và chính phủ
Không sợ vụ công kích Nhậm, tuần trước, tạp chí Tài Tân rất có uy tín ở TQ cũng phê phán cơ quan kiểm duyệt vì cơ quan này yêu cầu Tài Tân tháo bỏ bài viết của một học giả có nội dung kêu gọi chính phủ cần lưu ý những quan điểm khác nhau, tôn trọng ngôn luận.
Trong bài viết “Chuyện quanh bình luận về tự do ngôn luận của cố vấn bị tháo khỏi trang web Tài Tân”, tạp chí này cho biết cơ quan kiểm duyệt gọi phần đầu “có nội dung trái pháp luật” và yêu cầu tháo bỏ.
Tác giả bài viết bị gỡ bỏ là Tưởng Hồng, giáo sư Đại học Kinh tế - Tài chính Thượng Hải. Ông cũng là một cố vấn hay nói thẳng của chính phủ TQ. Ông nói những người như ông cần được “tự do góp ý với đảng và các cơ quan chính quyền về các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội”.
Ở phần hai là cuộc phỏng vấn giáo sư Tưởng của Tài Tân. Ông nói vụ kiểm duyệt và lệnh phải cắt bỏ là “hành xử khủng khiếp và dã man”. Ông còn nói: “Tôi xem lại bài viết với tất cả sự tôn trọng nhưng chẳng thể thấy điều gì là trái pháp luật cả”.
Ngày 16.3, báo Guardian dẫn lời ông Tưởng nói bên lề kỳ họp Quốc hội TQ: “Ở một xã hội chỉ nghe một tiếng nói thì có thể phạm phải nhiều sai lầm. Cách tốt nhất ngăn chặn sai lầm xảy ra là cho phép mọi người đều có tiếng nói. Kiểu kiểm duyệt gắt gao vừa lại nổi lên này khiến người ta sợ phát biểu ý kiến của họ”.
Một bộ trưởng trả lời báo chí ở Hành lang bộ trưởng |
Thủ tướng TQ yêu cầu bộ trưởng mở mồm nhiều hơn với báo chí
Trong khi đó, báo The Wall Street Journal (WSJ) có bài viết “Đằng sau vành dây nhung đỏ, Thủ tướng TQ tán dương sự công khai của các bộ trưởng”.
Sau khi kỳ họp Quốc hội TQ bế mạc ngày 16.3, Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì cuộc họp báo ở Đại lễ đường Nhân dân. Ông Lý cho biết đã chỉ đạo các bộ trưởng trong chính phủ của ông phải cởi mở với giới nhà báo nhiều hơn nữa. Rồi ông bất ngờ đánh giá cao các nỗ lực làm việc của các bộ trưởng.
Theo WSJ, kỳ họp hàng năm của Quốc hội TQ chỉ là một sàn diễn chính trị, các nhà báo phải tìm kiếm các công chức chính phủ để lấy thông tin, trong khi các vị này “trốn” hoặc tìm cách trả lời càng ít càng tốt.
Đó là lý do ông Lý nói các bộ trưởng phải phát biểu nhiều hơn với báo chí: “Năm nay, trước khi khai mạc kỳ họp, tôi đề nghị Hội đồng bộ trưởng nên nói gì đó và trả lời câu hỏi của các nhà báo. Tôi bảo họ: “Các ông không thể vẩy tay bỏ đi khi nhà báo đặt câu hỏi. Các ông phải mở miệng ra, trả lời thẳng vào câu hỏi, ngay tại chỗ”.
Rồi ông hỏi: “Có Hành lang bộ trưởng không?”.
Hành lang bộ trưởng là một hành lang trải thảm đỏ ở phía bắc Đại lễ đường Nhân dân. Đó là nơi mà các cán bộ cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đi vào phòng họp Quốc hội.
Về kỹ thuật, nhà báo được phép “chặn đường” các đại biểu này để phỏng vấn và chờ đợi câu trả lời ở Hành lang bộ trưởng. Nhưng thực tế thì các vành dây nhung đỏ được dùng để rào quanh Hành lang bộ trưởng. Cảnh vệ đứng gần đó thường xuyên cảnh cáo các nhà báo: “Cấm bước qua vành dây đó”.
Một số cán bộ trung cấp cũng được cắt cử đứng sau vành dây, đọc những câu bình luận soạn sẵn cho các nhà báo. Chỉ vài đại biểu quốc hội dừng lại sau vành dây đỏ này, để trả lời câu hỏi của báo chí…
Ông Du Chính Thanh, nhân vật số 4 trong Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị CPC thì khen giới báo chí trung thành và ông cảm ơn họ “tích cực xây dựng và nhiều cảm hứng” khi đưa tin, bài về kỳ họp của Quốc hội. Ông nói: “Giới truyền thông duy trì được quan điểm chính trị chuẩn mực và họ phát đi năng lượng tích cực” .
Theo Vĩnh Thụy (Một Thế Giới)