Ngày 7-12-1941 mãi khắc sâu trong trang sử nhân loại khi máy bay Nhật ồ ạt xuất kích từ tàu sân bay tấn công hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đóng tại Trân Châu Cảng (Pearl Habor), tiểu bang Hawaii.
Vào thời điểm đó, Mỹ chưa thật sự quyết tâm tham gia vào trận chiến. Đô đốc Nhật Yamamoto Isoroku nuôi tham vọng lớn với trận Trân Châu Cảng sẽ buộc Mỹ rút khỏi Thái Bình Dương, mở đường cho Nhật thiết lập đế chế phát xít thống trị. Tham vọng ấy trở thành một tính toán sai lầm khi chính lần thua bất ngờ này, Mỹ đã quyết định tuyên chiến đưa Thế chiến thứ hai bước sang bước ngoặt mới.
Máy bay Nhật xuất kích tấn công hạm đội Thái Bình Dương ở Trân Châu Cảng - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Chiến hạm USS Shaw trúng bom từ máy bay Nhật nổ tung trong trận Trân Châu Cảng - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Chỉ 1 ngày sau khi bị các máy bay Nhật không kích ở Trân Châu Cảng, vào lúc 16h ngày 8-12-1941, tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã ký bản tuyên chiến với phát xít Nhật, chính thức bước vào cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại.
75 năm từ ngày lịch sử đó, ký ức về trận chiến vẫn còn vẹn nguyên trong lòng những cựu binh Mỹ. Đúng 7h58 phút ngày 7-12-1941, hai đợt không kích với tổng cộng 353 máy bay xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật Bản (Ziukaku, Shokaku, Akagi, Kaga, Hiryu, và Soryu) đã tạo nên một trận tập kích chí mạng vào lực lượng quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương. Còi báo động hụ vang khắp khu vực cảnh báo: “Trân Châu Cảng đang bị không kích thực sự. Đây không phải là diễn tập”.
8 chiến hạm của Mỹ neo tại cảng từ USS Shaw, USS Tennessee , USS Tennessee đến USS Oklahoma...đều trúng bom, đạn và ngư lôi bốc cháy. Những chiếc tàu hùng dũng, niềm kiêu hãnh của hải quân Mỹ bỗng chốc trở nên vô dụng khi bị “đàn chim sắt” của Nhật ồ ạt tấn công. Như chiến hạm USS Arizona bị Nhật dội bom khiến nhiều sĩ quan trên tàu thiệt mạng, con tàu chìm xuống lòng biển sâu mà xác vẫn còn nằm dưới lòng đại dương. Tất cả nhắc nhớ ký ức đau thương một thời của người Mỹ.
Những tiếng máy bay gầm rú đinh tai của hai đợt tấn công hôm đó đã nhấn chìm hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong biển lửa. Trận Trân Châu Cảng khiến niềm kiêu hãnh của cường quốc quân sự này bị tổn thương nghiêm trọng. Tổng thống Mỹ đương thời Roosevelt từng gọi ngày 7-12-1941 là ngày “sẽ sống mãi trong ô nhục”.
Tàu USS Arizona trước khi bị đánh chìm |
Quang cảnh Trân Châu Cảng bị quân Nhật tấn công - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Theo Time, chỉ tính riêng khu đỗ máy bay của hải quân Mỹ đã có 347 chiếc máy bay bị phá hủy hay hư hỏng vì trận không kích. Tờ Daily Mail thống kê có 2403 người gồm sĩ quan, thuyền viên và dân thường bên phía Mỹ thiệt mạng trong trận Trân Châu Cảng.
Nằm trong một vịnh biển ăn sâu vào đất liền trên đảo, Trân Châu Cảng có vị trí địa chiến lược quan trọng nằm giữa Thái Bình Dương. Cảng biển thiên nhiên này là nơi đóng đô Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, là nơi tập trung của các lực lượng tàu nổi, tàu ngầm cũng như không lực của hạm đội này.
Từ Trân Châu Cảng, các lực lượng này của Mỹ có thể xuất kích khống chế khu vực biển tây Thái Bình Dương, vươn đến Nhật Bản (khu vực Đông Bắc Á), Đông Nam Á và tiếp cận cả Úc và New Zealand. Trân Châu Cảng vì thế trở thành vị trí chiến lược giằng co nhau giữa Mỹ - Nhật. Trước trận Trân Châu Cảng, Mỹ đã cấm vận dầu mỏ và thương mại với Nhật Bản khiến quan hệ hai bên trở nên căng thẳng. Từ năm 1940, Mỹ đã đưa hạm đội Thái Bình Dương từ bang California đến Hawaii để đối phó với Nhật.
Tấn công cảng này, Tokyo muốn ra tay trước để khống chế Hạm đội Thái Bình Dương trong một khoảng thời gian, tạo điều kiện cho Nhật nhân dịp đó bành trướng khu vực tây Thái Bình Dương, khiến ảnh hưởng của Mỹ trở nên suy yếu ở Châu Á. Khi đó Nhật sẽ thực hiện nhiều nước cờ khác trong việc lan toả sự thống trị và tầm ảnh hưởng của mình đến nhiều quốc gia khác.
Tàu USS Arizona trúng không kích trong trận Trân Châu Cảng |
Sau 75 năm, nhiều ký ức đã phai mờ, nhiều bí mật đã được khai mở nhưng Trân Châu Cảng vẫn là một bí ẩn lớn nhất lịch sử quân sự quốc tế với những câu hỏi chưa có lời giải trọn vẹn như tại sao Mỹ không thấy dấu hiệu về một cuộc tấn công đang đến!? Mặc dù trước đó Nhật Bản ngày càng tăng cường các hành động gây hấn, gồm vụ đánh chìm một tàu hải quân Mỹ trên sông Dương Tử hay ngày 4-12, Roosevelt đã nhận một bản ghi nhớ mật từ Phòng Tình báo Hải quân (ONI), mô tả các nỗ lực thu thập tin tức gián điệp của Nhật Bản…
Cố giáo sư Gordon Prange của trường đại học Maryland cuốn sách “At Dawn We Slept” (Bình Minh khi chúng ta ngủ) khi còn sống cho rằng vấn đề cốt lõi là chính phủ Mỹ thật sự không tin vào những cảnh báo của về sự hiếu chiến của Nhật là sự thật.
Cuộc tấn công Trân Châu Cảng chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ, nhưng đã gây ra những tốt thất không thể chấp nhận được đối với nước Mỹ, đây được xem là tổn thất nặng nề nhất của Hải quân Mỹ trong suốt lịch sử của mình.
Video giới thiệu bộ phim Pearl Harbor: Into the Arizona |