Trận đấu súng đoạt mạng 3 đặc nhiệm Mỹ trước căn cứ Jordan

26/07/2017 14:51:00

Đặc nhiệm Mỹ sống sót kể lại giây phút kinh hoàng khi 3 đồng đội bị bắn gục ngay trước căn cứ quân sự của đồng minh.

Đặc nhiệm Mỹ sống sót kể lại giây phút kinh hoàng khi 3 đồng đội bị bắn gục ngay trước căn cứ quân sự của đồng minh.

Các binh sĩ lực lượng đặc nhiệm Mỹ tham gia các nhiệm vụ huấn luyện ở căn cứ quân sự King Faisal phía nam Jordan thường xuyên đến mức họ chỉ đội mũ mềm thay vì mũ sắt tiêu chuẩn. Phần lớn lính đặc nhiệm này đều đã trải qua các vùng chiến sự, nhưng Jordan, một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực, được coi là vùng đất khá yên bình, theo NYTimes.

Nhưng khi một đoàn xe của đặc nhiệm Mỹ tiến vào cổng căn cứ ngày 4/11/2016, tiếng súng bất ngờ rộ lên từ một bốt gác, châm ngòi cho một cuộc đấu súng dữ dội khiến ba lính Mỹ thiệt mạng, ảnh hưởng đến quan hệ nồng ấm giữa Mỹ và Jordan. Tòa án quân sự Jordan đầu tháng 7 kết án chung thân trung sĩ không quân Ma’arik al-Tawayha, người đã nổ súng vào toán đặc nhiệm Mỹ.

Vụ đấu súng đã khiến ngay cả các quan chức Jordan cũng bối rối. Họ ban đầu cho rằng đây là một vụ tai nạn và đổ lỗi cho lính Mỹ đã vi phạm quy định khi vào căn cứ. Sau đó, các điều tra viên Jordan nói rằng lính Mỹ đã vô tình làm cướp cò một khẩu súng, khiến trung sĩ trực gác Tawayha cho rằng căn cứ đang bị tấn công nên đã nổ súng chống trả.

Tuy nhiên, video từ camera an ninh tại cổng căn cứ, được Jordan công bố hôm 24/7, cùng lời kể của một trung sĩ đặc nhiệm Mỹ sống sót sau vụ đấu súng, đã cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.

Video cho thấy một đoàn xe 4 chiếc chở đặc nhiệm Mỹ chầm chậm trở về căn cứ King Faisal sau khi huấn luyện bắn súng cối cho các tay súng nổi dậy Syria theo một chương trình bí mật do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vận hành. Phát hiện đoàn xe, một lính gác người Jordan tiến ra cổng, kéo chướng ngại vật sang một bên và nâng rào chắn ngang đường vào căn cứ.

Đứng trong bốt gác lúc đó là trung sĩ Tawayha, người thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tại căn cứ và chắc chắn đã nhiều lần thấy đặc nhiệm Mỹ ra vào cổng hai lần mỗi ngày, theo lời kể của đặc nhiệm Mỹ sống sót. Người này xin giấu tên theo chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ.

tran-dau-sung-doat-mang-3-dac-nhiem-my-truoc-can-cu-jordan

Đoàn xe đặc nhiệm Mỹ tiến vào căn cứ trước khi vụ nổ súng xảy ra. Ảnh: NYTimes.

Sau khi hai chiếc xe đi đầu qua khỏi cổng, những tiếng súng bắt đầu rộ lên, với hình ảnh các cụm khói nhỏ bay lên trong video giám sát. Vì một lý do nào đó đến nay vẫn chưa được làm rõ, trung sĩ Tawayha đã dùng khẩu súng trường của mình bắn ít nhất 30 phát đạn vào chiếc xe chở trung sĩ đặc nhiệm Mỹ Matthew Lewellen và trung sĩ Kevin McEnroe ở cự ly gần, khiến hai người gục xuống ngay trong xe.

Ngồi ở xe phía sau, viên trung sĩ giấu tên bị sốc khi chứng kiến đồng đội của mình bị bắn gục ngay trước mặt. "Chúng tôi lúc đó rất hoảng sợ và bối rối", anh kể. "Chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra hay có bao nhiêu tay súng đang đối mặt với mình".

"Kính bay tứ tung, tôi nhìn thấy có người gục xuống", trung sĩ này cho biết. Theo những gì đã được huấn luyện, đặc nhiệm Mỹ trên xe sẽ nhấn ga khi bị phục kích để thoát khỏi khu vực nguy hiểm. "Tôi chờ vài giây, hy vọng chiếc xe phía trước vọt lên, nhưng không có gì xảy ra cả".

Người lính Jordan đang nâng rào chắn nghe thấy tiếng súng vội chạy đi tìm nơi ẩn nấp, còn trung sĩ giấu tên lập tức rút khẩu súng ngắn mang theo bên người, bắn ba phát về phía cổng rồi cùng trung sĩ James Moriarty ngồi ở xe phía sau cố gắng tìm nơi ẩn nấp.

Vừa nổ súng, Tawayha vừa hét lên, yêu cầu lính Mỹ giơ tay lên trời. Hai đặc nhiệm Mỹ đáp lại rằng họ là đồng minh, không phải kẻ thù. Để thuyết phục Tawayha, họ bỏ súng xuống đất và giơ tay lên trời như một cử chỉ ngừng bắn. Thế nhưng súng lại tiếp tục nổ, đạn găm vào khối bê tông ngay trước mặt, buộc họ phải cúi xuống tránh đạn.

"Tôi đặt súng xuống, giơ tay lên một chút và anh ta lập tức bắn về phía tôi", trung sĩ giấu tên kể. "Đó là lúc chúng tôi xác định đây không phải là một tai nạn".

Lúc này hai đặc nhiệm Mỹ đang rơi vào thế kẹt. Chiếc bộ đàm duy nhất của họ đang nằm trên chiếc xe phía sau, khiến họ không thể gọi lực lượng hỗ trợ. Họ không ngừng hét lên bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Arab rằng mình là bạn và nói sẽ rời đi nếu người lính gác Jordan ngừng bắn, nhưng đạn vẫn bay vun vút qua đầu họ.

"Chúng tôi đã tìm cách vẫy cả hai tay với tay súng, nhưng lại bị nhắm bắn", trung sĩ đặc nhiệm kể. "Tôi quyết định ngừng phán đoán tình hình và bàn với Moriarty rằng chúng tôi cần phải bắn hạ gã này".

Hai người mang theo súng ngắn và 4 băng đạn với tổng cộng 60 viên, nhưng họ cần có vị trí phòng thủ tốt hơn. Sau gần 4 phút đấu súng, họ quyết định rời khỏi nơi ẩn nấp sau chiếc xe để lao tới những khối bê tông nằm cạnh cổng. "Chúng tôi nghĩ rằng cách này sẽ giúp mình có thêm chút thời gian. Viện binh có thể sẽ đến", trung sĩ giấu tên cho biết.

Đúng lúc đó, Tawayha lao về phía đoàn xe với khẩu súng trường chĩa về phía trước. Anh ta nấp sau chiếc xe đầu tiên, tiếp tục bắn về phía lính Mỹ, rồi chầm chậm tiến tới xe thứ hai nhằm tìm cách đánh bọc sườn.

Cuối cùng, Tawayha lao về phía những khối bê tông mà hai lính Mỹ đang nấp, vừa chạy vừa bắn một loạt đạn. Cả hai đặc nhiệm Mỹ đều bật dậy, dùng súng ngắn bắn về phía Tawayha ở khoảng cách gần, nhưng trung sĩ Moriarty đã trúng đạn và gục xuống.

Trung sĩ giấu tên chạy quanh khối bê tông và bắn trúng vào Tawayha, khiến anh ta ngã xuống đất. Anh kể rằng đã tóm lấy khẩu súng trường của viên trung sĩ Jordan bị thương, ném nó ra xa trước khi lùi ra khỏi căn cứ, trong lúc lính gác Jordan đến hiện trường.

tran-dau-sung-doat-mang-3-dac-nhiem-my-truoc-can-cu-jordan-1

Tawayha bị dẫn giải trong phiên tòa xét xử. Ảnh: NYTimes.

Lực lượng Mỹ ngay sau đó cũng có mặt và phải mất một lúc lâu mới cùng với các binh sĩ Jordan hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Trong lúc đó, trung sĩ Moriarty nằm sau khối bê tông, chảy máu đến chết vì không được đưa đi cấp cứu kịp thời.

"Tôi đã không quay trở lại với Jimmy", trung sĩ giấu tên kể lại nỗi dằn vặt của mình. "Lúc đó tôi không biết vụ tấn công đã qua hay chưa. Tôi không nghĩ rằng mình có thể quay lại giúp đỡ cậu ấy nếu giao tranh vẫn đang tiếp diễn".

Trung sĩ Tawayha bình phục sau vết thương và bị đưa ra xét xử. Anh ta khai trước tòa rằng mình chỉ thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ vì nghĩ rằng căn cứ đang bị tấn công. Việc tòa án quân sự xét xử và kết án chung thân đối với Tawayha đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ bộ tộc Howeitat, bộ tộc rất có ảnh hưởng ở Jordan. Các thành viên bộ tộc này cho rằng Tawayha không làm gì sai và chính phủ Jordan đã trừng phạt anh ta để chiều lòng người Mỹ.

"Chúng tôi đã sống nhiều năm với người Mỹ, nên chẳng có lý do gì chúng tôi vô cớ gây sự với họ cả", Lafi Abu Tayeh, họ hàng của trung sĩ Tawayha trong bộ tộc Howeitat, khẳng định. "Nhưng sau phán quyết này, người Mỹ không còn được chào đón ở đây nữa".

Theo Trí Dũng (VnExpress.net)

Nổi bật