"Ban đầu chỉ là trò đùa, nhưng giờ nó đã mang đến rắc rối," người đàn ông 68 tuổi sống tại làng Bugisa ở quận Butaleja (Uganda) nói.
"Sức khỏe suy giảm và chỉ còn hai acre đất cho một gia đình lớn như vậy, hai bà vợ của tôi đã bỏ đi do tôi không trang trải được những thứ cơ bản như thức ăn, quần áo, học hành".
Hasahya, hiện đang thất nghiệp nhưng đã trở thành người thu hút sự chú ý của khách du lịch trong làng, cho biết các bà vợ của ông hiện đã dùng biện pháp tránh thai để không đẻ thêm con.
"Các bà vợ đã dùng biện pháp tránh thai, nhưng tôi thì chưa. Tôi không muốn có thêm con vì tôi đã rút ra bài học từ hành động vô trách nhiệm khi đẻ quá nhiều con mà không chăm nổi," người đàn ông 68 tuổi nói.
Gia đình Hasahya sống trong một ngôi nhà đã xuống cấp, có nhiều người phải sống ở các lều trại gần đó. Ông kết hôn lần đầu năm 1972, khi bản thân và vợ đầu mới 17 tuổi. Một năm sau, con đầu lòng của ông tên là Sandra Nabwire ra đời.
"Bởi chỉ có hai chúng tôi, tôi được anh em, người thân và bạn bè khuyên lấy thêm nhiều vợ, sinh thêm nhiều con để mở rộng ngôi làng," Hasahya nói.
Trước đây, Hashaya nổi tiếng trong vùng là thương lái gia súc và đồ tể nên nhiều gia đình trong làng đã gả con gái cho ông, có người chưa đủ 18 tuổi. Tảo hôn chỉ bị cấm ở Uganda vào năm 1995, trong khi đa thê vẫn hợp pháp, theo một số truyền thống tôn giáo.
102 người con của Hashaya ở độ tuổi từ 10 tới 50, trong khi vợ trẻ nhất của ông khoảng 35 tuổi.
"Khó khăn lớn là tôi chỉ nhớ được tên con đầu và con út, một số đứa con tôi không nhớ nổi tên," Hasahya nói, tay lần giở những cuốn vở cũ để tìm lại chi tiết về ngày sinh của các con. "Các bà vợ thường giúp tôi nhớ chúng là ai".
Hasahya cũng không nhớ nổi tên một số bà vợ, và phải nhờ cậy con trai Shaban Magino, 30 tuổi, lo việc nhà, do anh là một trong số ít có bằng cấp. Để giải quyết các vấn đề trong nhà, Hasahya cho biết họ thường phải gặp nhau để trao đổi mỗi tháng.
Quan chức địa phương cho biết dù gặp nhiều khó khăn nhưng Hasahya "nuôi con rất tốt", chưa ghi nhận tình trạng trộm cắp hay ẩu đả xảy ra.
Nhiều thành viên trong gia đình Hasahya kiếm tiền hoặc thức ăn bằng cách giúp việc nhà cho hàng xóm, hoặc tự kiếm củi và nước, thường là đi bộ rất xa.
Khi bữa trưa sẵn sàng, Hasahya ra khỏi túp lều của mình, gọi cả gia đình ra dùng bữa.
"Tuy vậy, thức ăn hầu như không đủ. Chúng tôi chỉ có thể cho lũ trẻ ăn một lần mỗi ngày, hôm nào ổn lắm mới được hai bữa," Zabina, vợ thứ ba của Hasahya nói.
Zabina nói nếu biết ông đã có vợ, bà sẽ không đồng ý kết hôn. "Ngay cả khi tôi đã về nhà ông ấy và chấp nhận số phận... ông ấy vẫn cưới thêm người thứ tư, thứ năm, cho tới 12," bà cho hay.
Hai người vợ của ông đã bỏ đi, trong khi ba người khác hiện đang sống ở một thị trấn lân cận, do nhà quá chật. Khi được hỏi lý do vì sao những người vợ khác chưa bỏ đi, Hasahya nói: "Tất cả đều yêu tôi, các anh thấy họ hạnh phúc mà!".
Linh Giang (Nguoiduatin.vn)