Một trong những " hồng nhan họa quốc" nổi tiếng lịch sử phong kiến Trung Quốc là Muội Hỷ. Đây là mỹ nhân đến từ nước Hữu Thi – nước chư hầu của nhà Hạ. Do có nhan sắc xinh đẹp, kiều diễm nên Muội Hỷ được nước Hữu Thi cống nạp cho Kiệt Vương để cầu hòa.
Kiệt Vương si mê nhan sắc của Muội Hỷ, hết mực sủng ái mỹ nhân này khiến bao phi tần trong cung ghen ghét, đố kỵ. Để có được nụ cười của sủng phi, Kiệt Vương bỏ bê triều chính, tìm đủ mọi cách khiến người đẹp vui vẻ. Trong số này có việc mỗi ngày nhà vua cho người xé lượng lớn khăn lụa vì Muội Hỷ thích nghe tiếng xé lụa.
Muội Hỷ dần thất sủng khi Kiệt Vương tấn công nước Manh Sơn và giành chiến thắng nên được nước này dâng tặng hai mỹ nữ tên Diễm, Uyển. Do bị lạnh nhạt nên Muội Hỷ nảy sinh lòng oán hận, bí mật qua lại với Y Doãn của nước Thương làm tiết lộ nhiều cơ mật của triều Hạ.
Trong lúc Kiệt Vương chìm đắm trong tửu sắc thì Thương Thang liên kết các bộ tộc, triệt hạ các nước chư hầu của nhà Hạ. Theo đó, Muội Hỷ khiến Kiệt Vương đánh mất ngai vàng, chết thảm và vương triều nhà Hạ diệt vong.
"Hồng nhan họa quốc" tiếp theo là Đát Kỷ. Mỹ nhân này là hoàng hậu của Trụ Vương - hoàng đế cuối cùng của nhà Thương. Với vẻ đẹp yêu kiều, quyến rũ, tinh thông cầm kỳ thư họa, Đát Kỷ khiến Trụ Vương mê mệt và cùng ăn chơi hưởng lạc suốt ngày tháng.
Để chiều lòng Đát Kỷ, Trụ Vương không tiếc tiền cho các cuộc ăn chơi dù ngân khố cạn kiệt, dân chúng lầm than. Trong số này có việc ông hoàng này cho người xây Lộc đài để tiêu khiển, tra tấn và sát hại nhiều người vô tội để tìm niềm vui.
Do Trụ Vương bỏ bê triều chính nên tình hình đất nước ngày càng rối ren, dân chúng lầm than, oán thán.
Trong bối cảnh đó, Chu Võ Vương Cơ Phát được dân chúng ủng hộ đã dựng cờ khởi nghĩa lật đổ Trụ Vương lập nên nhà Chu. Cuối cùng, Trụ Vương tự thiêu và "mỹ nhân họa quốc" Đát Kỷ tự sát.
Bao Tự là "mỹ nhân họa quốc" khiến nhà Chu diệt vong. Theo sử sách, mỹ nhân này là sủng phi của Chu U Vương. Với vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành", Bao Tự khiến nhà vua mê mệt, sẵn sàng làm thứ để có được nụ cười của nàng.
Tương truyền, có một lần, Chu U Vương sai người đốt lửa trên phong hỏa đài - nơi khai hỏa ra hiệu cho chư hầu dẫn quân tới cứu khi có giặc xâm lược. Thấy vậy, quân chư hầu vội vã đến ứng cứu. Tuy nhiên, khi đến nơi, họ không thấy bóng dáng kẻ địch đâu. Bao Tự nhìn thấy cảnh ấy liền cười lớn. Điều này khiến Chu U Vương phấn khích.
Trong những tháng sau đó, Chu U Vương vài lần thắp lửa trên phong hỏa đài khiến quân chư hầu mất công chạy đến ứng cứu rồi trở về trong thất vọng, tức giận vì bị lừa.
Chính vì vậy, khi quân Khuyến Nhung bên ngoài kéo vào đánh úp kinh đô, Chu U Vương thắp lửa gọi ứng cứu nhưng quân chư hầu không đến vì cứ ngỡ đó lại là trò đùa. Do vậy, Chu U Vương bị kẻ địch giết chết, Bao Tự tự sát và nhà Chu diệt vong.
"Hồng nhan họa quốc" nổi tiếng lịch sử phong kiến Trung Quốc tiếp theo là Trần Viên Viên. Danh kỹ này nổi tiếng xinh đẹp, thông minh nên được Chu hoàng hậu mua về cung để khiến Điền Quý phi thất thế. Vua Sùng Trinh sau khi gặp Trần Viên Viên liền bị "hớp hồn", không buồn thiết triều, chỉ muốn ngày ngày ở bên mỹ nhân.
Khi nhà Minh suy tàn, các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, hoàng đế Sùng Trinh buộc phải tặng Trần Viên Viên cho Ngô Tam Quế để vị tướng này dốc sức bảo vệ ngai vàng của ông. Đến năm 1644, Lý Tự Thành đem quân đánh chiếm kinh thành khiến vua Sùng Trinh tự vẫn, nhà Minh sụp đổ.
Trần Viên Viên bị Lý Tự Thành chiếm đoạt khiến Ngô Tam Quế tức giận. Vậy nên, Ngô Tam Quế quyết định mở cửa quan, mượn sức mạnh của quân Mãn Châu đánh bại Lý Tự Thành nhằm cướp lại mỹ nhân.
Do mê mệt Trần Viên Viên nên Lý Tự Thành không tập trung vào việc cố thủ thành trì trước sự tấn công của kẻ địch nên cuối cùng mất nước vào tay quân Mãn Châu. Theo đó, "hồng nhan họa quốc" Trần Viên Viên khiến 2 vương triều sụp đổ. Ảnh trong bài mang tính minh họa.
Theo Tâm Anh - Th (Kienthuc.net.vn)