Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres tuyên bố tổ chức này sẵn sàng hỗ trợ nối lại các vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, vốn bị đình trệ từ 2008.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres - Ảnh: REUTERS |
"Các văn phòng của tôi luôn sẵn sàng và tôi đã chuyển thông điệp này cho đại diện của tất cả 6 bên liên quan. Giải pháp cho vấn đề Triều Tiên phải là chính trị. Những hậu quả của giải pháp quân sự là quá khủng khiếp để có thể suy nghĩ hay cân nhắc", Reuters dẫn lời người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh nhấn mạnh.
Tuyên bố được ông Guterres đưa ra trong cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) ngày 16-8.
Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh các bên có thể lựa chọn tiến hành đối thoại song phương hoặc đa phương để giải quyết vấn đề. Theo ông Guterres, các bên liên quan cần lấy lịch sử làm bài học để tránh lặp lại sai lầm.
"Tôi hoan nghênh các quốc gia thành viên tiếp tục ủng hộ và nỗ lực kêu gọi Triều Tiên tham gia các cuộc đối thoại, bao gồm cả việc thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, nhằm làm giảm căng thẳng, từng bước phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên"
Căng thẳng bắt đầu gia tăng quanh bán đảo Triều Tiên sau nghị quyết trừng phạt số 2371 (2017) của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 5-8, theo sau các vụ thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng trong tháng 7-2017.
Nghị quyết này, do Mỹ đề xuất, nhắm vào lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư và kiều hối của Triều Tiên. Ước tính, các biện pháp trừng phạt mới có thể làm sụt giảm 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên, vốn đang ở mức 3 tỷ USD hàng năm.
Bình Nhưỡng sau đó đã tuyên bố đáp trả các biện pháp trừng phạt mới, đặc biệt nhắm vào Mỹ, quốc gia đã soạn thảo nghị quyết. Các tuyên bố cứng rắn hiếm thấy từ cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên đã khiến tình hình leo thang nhanh chóng.
Tuy nhiên, căng thẳng bất ngờ có dấu hiệu hạ nhiệt trong ngày 15-8 khi truyền thông Triều Tiên tuyên bố sẽ hoãn kế hoạch phóng tên lửa hướng về đảo Guam của Mỹ và chờ xem thái độ của Washington. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16-8 đã lên Twitter gọi đó là hành động "khôn ngoan".
Giới quan sát nhận định cả Mỹ và Triều Tiên lần này đã áp dụng chính sách "bên miệng hố chiến tranh". Tuy nhiên, hậu quả của việc tính toán sai lầm từ bất kỳ bên nào có thể đẩy bán đảo Triều Tiên rơi vào biển lửa.
Khu vực này vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ sau cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) giữa hai miền Triều Tiên.
Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, gọi tắt là đàm phán 6 bên, là nỗ lực đa phương nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Các nước tham gia gồm Mỹ, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga. Vòng đàm phán đầu tiên khởi động vào năm 2003. |
Theo B.Duy (Tuổi Trẻ)