Ủy ban Bầu cử Quốc gia Venezuela dự kiến sẽ xác minh 200.000 chữ ký do phe đối lập đệ trình yêu cầu trưng cầu ý dân phế truất Tổng thống Maduro.
Tổng thống Maduro đang đứng trước nguy cơ bị phế truất. Ảnh AP |
Sau khi phe đối lập thu thập đủ chữ ký, Ủy ban Bầu cử quốc gia Venezuela sẽ tiến hành xác minh số chữ ký này một lần nữa. Nếu số chữ ký trên được xác thực, Ủy ban sẽ định ngày tổ chức trưng cầu ý dân phế truất ông Maduro.
Ông Torrealba, một lãnh đạo thuộc liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) của phe đối lập, cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân là một hướng rẽ cho đất nước: “Cuộc trưng cầu ý dân là một sự thay đổi chính trị. Chúng ta phải tạo dựng lại tương lai cho đất nước. Chúng ta phải phục hồi lại nền chính trị, tái ổn định kinh tế và xây dựng lại xã hội”.
Tuy nhiên, nếu cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức vào năm 2017, sẽ không diễn ra một cuộc tổng tuyển cử để chọn Tổng thống mới mà Phó Tổng thống Venezuela sẽ thay ông Maduro làm Tổng thống nước này.
Phe đối lập Venezuela nhiều lần cáo buộc Chính phủ và Ủy ban Bầu cử đang cố tình "câu giờ" để cuộc trưng cầu ý dân phải tới năm 2017 mới có thể tổ chức được, đồng nghĩa với việc giúp đảng của ông Maduro duy trì quyền lực tại Venezuela ít nhất thêm 2 năm nữa.
Trong khi đó, phe ủng hộ Chính phủ nộp đơn khiếu nại Ủy ban Bầu cử quốc gia để hủy bỏ yêu cầu trưng cầu ý dân của liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập.
Ông Jorge Rodriguez, một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Xã hội nói: "Chúng tôi đề nghị hủy bỏ việc yêu cầu trưng cầu ý dân của liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ. Lý do cho việc này là vì họ đã giả mạo chữ ký với số lượng lớn”.
Trong một diễn biến liên qua, thẩm phán Venezuela Rodríguez Villamizar đã trình lên Tòa án Tối cao (TSJ) yêu cầu xét xử Chủ tịch Quốc hội Henry Ramos Allup liên quan đến hành vi phá hoại đất nước.
Thẩm phán Villamizar cáo buộc Chủ tịch Allup, thuộc phe đối lập, đã yêu cầu Mỹ có hành động can thiệp vào tình hình nội bộ quốc gia này và đây là hành động vi phạm Hiến pháp.
Việc ông Allup bị kiện trước Tòa án Tối cao càng khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela trở nên bế tắc, trong bối cảnh đối thoại giữa chính phủ và liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) chiếm đa số ghế tại Quốc hội chưa có tiến triển.
Venezuela đang phải đối mặt với nguy cơ một cuộc suy sụp toàn diện. Giá dầu giảm sâu, siêu lạm phát, đồng tiền mất giá “không phanh” đã đẩy quốc gia giàu tài nguyên dầu lửa ở Nam Mỹ tới tình cảnh không còn nhiều lựa chọn để ngăn chặn sự hỗn loạn cả về kinh tế, chính trị và xã hội.
Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Venezuela sẽ suy giảm 8% trong năm nay và giảm 4,5% trong năm 2017, sau khi giảm 5,7% trong năm 2015.
Lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này được dự báo vượt 1.642% vào năm tới do chính phủ ồ ạt in tiền để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách, ước tính khoảng 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Những bất ổn tại Venezuela cũng đang khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Maduro sụt giảm nghiêm trọng. Theo kết quả thăm dò dư luận cho thấy, có đến 70% người dân Venezuela muốn ông Maduro từ chức trong năm nay./.
Theo Vũ Anh Tuấn (Vov.vn)