"Đây là một cuộc chiến chính trị do đế quốc Mỹ gây ra nhằm bảo vệ sự cực đoan đang thống trị hiện nay và hội Ku Klux Klan đang nắm quyền tại Nhà Trắng, hướng tới mục tiêu xâm chiếm Venezuela", Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm nay nói trong cuộc phỏng vấn với BBC. Hội Ku Klux Klan mà ông đề cập tới là một hội kín ở Mỹ ủng hộ thuyết người da trắng thượng đẳng.
Maduro nói thêm rằng ông hy vọng "băng đảng cực đoan tại Nhà Trắng này sẽ bị làn sóng dư luận mạnh mẽ khắp thế giới đánh bại". Khi được hỏi ông có tin Donald Trump là người ủng hộ thuyết da trắng thượng đẳng hay không, Maduro nhấn mạnh Tổng thống Mỹ "công khai" thể hiện điều đó. "Họ căm ghét và coi thường chúng tôi, bởi họ chỉ muốn lợi ích riêng", Tổng thống Venezuela cho biết.
Phát ngôn của Maduro được đưa ra trong bối cảnh Venezuela đang chìm trong khủng hoảng kinh tế chính trị, đặc biệt sau khi Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido tự nhận là "tổng thống lâm thời" nhằm lật đổ chính quyền hiện tại. Mỹ và một số nước châu Âu tuyên bố công nhận Guaido, trong khi Nga, Trung Quốc hay Cuba khẳng định họ chỉ coi Maduro là tổng thống hợp pháp.
Phe đối lập do Guaido lãnh đạo đang kịch liệt chỉ trích việc Maduro từ chối viện trợ nhân đạo từ các nước khác. Tuy nhiên, Tổng thống Venezuela cho biết chính quyền "đủ khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của người dân" và không phải "cầu xin bất cứ ai". Ông nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của Mỹ là nguyên nhân gây ra khủng hoảng và Washington có thể dùng viện trợ để biện minh cho sự can thiệp nội bộ.
Maduro cũng cho rằng việc tổ chức bầu cử tổng thống sớm là không cần thiết, nhấn mạnh "chỉ có khoảng 10 chính phủ" ủng hộ Guaido và họ đang cố dựng lên "một chính phủ không ai bầu".
Tổng thống Maduro tái đắc cử hồi tháng 5/2018. Tuy nhiên, ông tuyên thệ nhậm chức trước Tòa án Tối cao, trong khi luật pháp Venezuela quy định đây là việc của quốc hội. Ông còn lập ra Hội đồng Lập pháp với quyền lực lớn hơn cả quốc hội mà phe đối lập kiểm soát.
Từng là quốc gia giàu có bậc nhất khu vực Nam Mỹ nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Venezuela đã giảm hơn 40% kể từ năm 2013. Năm 2017, tỷ lệ lạm phát của nước này vượt quá 2.600%. Tình trạng thất nghiệp trầm trọng khiến hàng trăm nghìn người rời bỏ đất nước. Nạn đói hoành hành đẩy nhiều người vào bước đường cùng, phải đi cướp lương thực.
Theo Ánh Ngọc (VnExpress.net)