Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Tây Ban Nha Sexta hôm 3/1, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nói rằng ông sẽ "không bị áp lực" bởi những người kêu gọi ông từ chức. "Họ đang cố gắng dồn ép chúng tôi bằng các tối hậu thư để buộc chúng tôi vào tình huống đối đầu tột cùng", Maduro nói.
Các nước châu Âu Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Áo trước đó tuyên bố nếu Maduro không sớm tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới, họ sẽ công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là "tổng thống lâm thời" Venezuela.
Maduro đắc cử trong cuộc bầu cử năm ngoái nhưng Mỹ và nhiều nước Mỹ Latin, châu Âu không công nhận kết quả này. Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau tuyên bố hôm 3/1 rằng "nếu tối nay Maduro không cam kết tổ chức bầu cử tổng thống, Pháp sẽ coi Juan Guaido là tổng thống lâm thời hợp pháp cho đến khi bầu cử diễn ra". "Tối hậu thư đã kết thúc tối nay", Loiseau sau đó cho biết.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm qua điện đàm với Guaido, ca ngợi "sự can đảm và khả năng lãnh đạo" của người mà Ottawa công nhận là "tổng thống lâm thời" Venezuela. Cuộc trò chuyện diễn ra một ngày trước cuộc họp của Nhóm Lima, gồm Cananda và 13 quốc gia Mỹ Latin. 11 thành viên của Lima đã công nhận Guaido.
Căng thẳng tại Venezuela leo thang sau khi Guaido tự nhận là "tổng thống lâm thời" hôm 23/1. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Guaido, phủ nhận quyền lực của Tổng thống Venezuela và nhiều nước Mỹ Latin, châu Âu cũng hành động theo Mỹ. Trump hôm 3/1 cho biết ông vẫn để ngỏ khả năng can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng Venezuela.
Phó tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez gọi đây là bình luận của Trump là "không thể chấp nhận". "Nếu có một cuộc tấn công nhằm vào quốc gia có chủ quyền, quân đội và nhân dân sẵn sàng đáp trả. Độc lập quốc gia là vấn đề không thể thương lượng", Rodriquez nói, nhấn mạnh thêm rằng người dân Venezuela sẽ không cho phép bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài, bất kể họ đến từ đâu.
Nga, Trung Quốc, Cuba và một số quốc gia khác ủng hộ Maduro, chỉ trích hành động can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ Venezuela. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng cho rằng việc cước ngoài ủng hộ Guaido là hành động "đổ thêm dầu vào lửa".
Trước sức ép trong nước và quốc tế ngày càng tăng, Maduro hôm 2/2 đưa ra đề nghị bầu cử quốc hội sớm. Tuy nhiên, nghị sĩ đối lập Armando Armas cho rằng đây chỉ là hành động khiêu khích khác của chính phủ. Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát không được Tòa án Tối cao công nhận và bị lấn át bởi Hội đồng Lập hiến, cơ quan lập pháp tối cao được bầu ra từ năm 2017.
Theo Huyền Lê (VnExpress.net)