"Đoàn kết được thể hiện bằng các vũ khí. Câu hỏi của tôi là, (các nước phương Tây) trên thực tế có đoàn kết hay không. Tôi không thấy điều đó. Lợi thế khổng lồ của chúng ta trước Nga chính là khi chúng ta thực sự đoàn kết", Tổng thống Zelensky nói trong một bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hôm nay (25/5), theo Thời báo Moscow.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng, phương Tây hiện vẫn còn chia rẽ về mức độ hỗ trợ Ukraine để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, vốn đã bước sang tháng thứ 4. Ông bày tỏ biết ơn đối với sự ủng hộ từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhưng cho rằng sự ủng hộ tại châu Âu dường như có dấu hiệu suy giảm.
"Chúng ta đều ở trên lục địa châu Âu và chúng ta cần sự ủng hộ của một châu Âu đoàn kết", Tổng thống Zelensky khẳng định, đồng thời chỉ đích danh nước láng giềng Hungary - quốc gia đã phản đối việc Liên minh châu Âu (EU) ban lệnh cấm dầu Nga, "không đoàn kết như phần còn lại khối này".
Tổng thống Ukraine cũng chỉ ra sự thiếu đồng thuận về việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). "Liệu có sự thống nhất liên quan đến việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO không? Không. Vì vậy, liệu phương Tây có một sự gắn kết mạnh mẽ hay không? Câu trả lời là không", ông Zelensky tuyên bố.
Nga đề xuất phương án để phương Tây nới trừng phạt
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Interfax hôm nay (25/5), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết Moscow sẵn sàng cung cấp hành lang nhân đạo cho các tàu chở thực phẩm rời Ukraine thông qua các cảng tại Biển Đen. Đổi lại, phương Tây phải dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt Nga được áp đặt kể từ khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
"Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố về quan điểm này. Một giải pháp cho vấn đề xuất khẩu lương thực của Ukraine đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, bao gồm cả việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu và giao dịch tài chính của Nga", ông Rudenko nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, nước này sẽ "yêu cầu phía Ukraine tiến hành rà phá bom mìn đối với các cảng tại Biển Đen của nước này", trước khi "Nga cung cấp các hành lang nhân đạo cần thiết". Ông cũng cảnh báo đề xuất của Lithuania về việc lập liên minh các nước để hộ tống hàng hóa của Ukraine qua Biển Đen "sẽ làm trầm trọng thêm tình hình ở khu vực".
Thứ trưởng Rudenko còn đề cập đến việc Nga sẽ cân nhắc trao đổi tù binh chiến tranh với Ukraine, nhưng chỉ sau khi các binh sĩ Ukraine tại nhà máy thép Azovstal "bị kết án thích đáng". "Trước khi đưa họ ra tòa, mọi cuộc thảo luận về trao đổi tù binh là quá sớm", ông nhấn mạnh.
Nga thông qua dự luật mở rộng độ tuổi nhập ngũ
Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày hôm nay đã thông qua dự luật bãi bỏ giới hạn độ tuổi nhập ngũ, theo đó cho phép người từ 40 trở lên có thể đăng ký vào các lực lượng vũ trang trong nước.
Hiện tại, chỉ công dân Nga từ 18 đến 40 tuổi và công dân nước ngoài từ 18 đến 30 tuổi mới có thể ký hợp đồng để nhập ngũ. Dự luật trên, được đề xuất bởi các thành viên đảng Nước Nga Thống nhất vào tuần trước, sẽ cho phép quân đội Nga vận dụng các kỹ năng cũng như kinh nghiệm của các chuyên gia lớn tuổi.
"Đối với việc sử dụng vũ khí chính xác cao, vận hành vũ khí và trang thiết bị quân sự, cần có những chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Kinh nghiệm cho thấy chỉ những người ở độ tuổi 40-45 mới có trình độ như vậy", một ghi chú kèm theo dự luật có đoạn viết. Theo các nhà lập pháp Nga, dự luật cũng giúp việc tuyển dụng các bác sĩ dân sự, kỹ sư, các chuyên gia vận hành và truyền thông trở nên dễ dàng hơn.
Cũng trong ngày 25/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh đơn giản hóa quy trình cấp quốc tịch Nga cho cư dân tại các khu vực do quân đội Nga kiểm soát ở 2 tỉnh Kherson và Zaporizhzhia phía nam Ukraine.
Sắc lệnh được Tổng thống Putin ký hôm nay là sự mở rộng từ một chương trình cấp quyền công dân Nga vốn có hiệu lực từ năm 2019, dành cho cư dân các vùng ly khai ở 2 tỉnh Donetsk và Lugansk miền đông Ukraine. Nga đã cấp khoảng 800.000 hộ chiếu ở các khu vực này từ năm 2019.
Theo sắc lệnh, người có nguyện vọng nhập tịch không bắt buộc phải sống ở Nga, không cần chứng minh tài chính hay vượt qua bài kiểm tra ngôn ngữ Nga. Moscow cho biết, họ đưa ra quy định này vì "mục đích nhân đạo".
Nga gọi đề xuất hòa bình của Italia là "ảo mộng"
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng kế hoạch do Italia đề xuất để lập lại hòa bình ở Ukraine là "ảo mộng".
"Các vị không thể một mặt cung cấp vũ khí cho Ukraine, mặt khác đưa ra một kế hoạch tìm kiếm giải pháp hòa bình cho chiến sự", bà Zakharova bình luận về kế hoạch hòa bình được Rome đưa ra tuần trước. Đại diện Bộ Ngoại giao Nga cũng bác bỏ khả năng Moscow sẽ tuân theo bất kỳ kế hoạch hòa bình nào từ phương Tây.
Trước đó, Thủ tướng Italia Luigi Di Maio đã thông báo về một kế hoạch nhằm lập lại hòa bình ở Ukraine, và cho biết ông đã thảo luận kế hoạch này với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.
Kế hoạch của Italia đề xuất sự tham gia của các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, EU, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) với vai trò hòa giải, nhằm bước đầu đạt được các lệnh ngừng bắn ở từng khu vực đang xảy ra giao tranh ở Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó tuyên bố, Moscow chưa nhận được bản kế hoạch hòa bình mà Thủ tướng Italia nhắc tới. Ông Peskov cho biết, Nga mong nhận được tài liệu này thông qua các kênh ngoại giao.
Theo Việt Anh (VietNamNet)