Trong phiên điều trần ba ngày sau khi ông Trump ký sắc lệnh hành pháp kể trên, thẩm phán John C. Coughenour đứng về phía bốn bang đã đệ đơn kiện ông Trump là Washington, Arizona, Illinois và Oregon. Ông Coughenour ra phán quyết tạm thời chặn sắc lệnh hành pháp của tổng thống Trump trong 14 ngày, gọi đây là "một sắc lệnh vi hiến trắng trợn".
Phán quyết chặn sắc lệnh hành pháp có thể được gia hạn sau 14 ngày.
"Thành thực mà nói, tôi không hiểu vì sao một thành viên của Bộ Tư pháp có thể tuyên bố rằng đây là một sắc lệnh hợp hiến. Điều này quá khó hiểu," thẩm phán Coughenour nói.
Tổng thống Trump vài giờ sau trả lời phóng viên cho biết chính quyền của ông sẽ kháng cáo.
Sắc lệnh của tổng thống Trump quy định trẻ em sinh ra tại Mỹ có bố mẹ là người nhập cư không giấy tờ kể từ sau 19/02 sẽ không được coi là công dân Mỹ. Sắc lệnh này có hiệu lực với trẻ em có mẹ nhập cảnh vào Mỹ hợp pháp nhưng tạm thời, chẳng hạn như du khách, sinh viên đại học hoặc lao động tạm thời, nếu cha của đứa trẻ không phải là công dân Mỹ.
22 bang cùng các nhóm vận động và phụ nữ mang thai đệ sáu đơn kiện để chặn sắc lệnh, với lập luận rằng sắc lệnh vi phạm Tu chính án 14. Tòa án và nhánh hành pháp tại Mỹ thường coi Tu chính án 14 là đảm bảo quyền công dân cho tất cả trẻ em sinh ra tại Mỹ, bất kể tình trạng pháp lý của cha mẹ. Chỉ có một số trường hợp ngoại lệ được tòa án công nhận, chẳng hạn như con của các nhà ngoại giao, theo New York Times.
Tòa án Mỹ chưa từng nhìn nhận về tính hợp hiến của các nỗ lực giới hạn quyền công dân theo nơi sinh. Phán quyết của thẩm phán Coughenour cho thấy ông không muốn phá vỡ các tiền lệ này.
Phán quyết của Coughenour được đánh giá là khởi đầu của tranh chấp pháp lý giữa chính quyền tân tổng thống Trump và tòa án, liên quan tới các chương trình nghị sự của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai. Một số sắc lệnh hành pháp khác của ông Trump, bao gồm các nỗ lực tước bỏ bảo hộ công việc cho nhân viên chính quyền liên bang và gia tăng trục xuất cũng đang gặp thách thức pháp lý.
Brett Shumate, luật sư của chính quyền liên bang, lập luận rằng sắc lệnh về quyền công dân theo nơi sinh của chính quyền tổng thống Trump là "hoàn toàn hợp hiến". Ông lập luận rằng người nhập cư không giấy tờ "vẫn thuộc về thế lực nước ngoài" và do đó "không có bổn phận với nước Mỹ". Con cái của họ cũng được coi là như vậy, theo lập luận của chính quyền.
Sau khi phán quyết được đưa ra, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ cam kết cơ quan này "sẽ hết lòng bảo vệ" sắc lệnh hành pháp về quyền công dân theo nơi sinh của tổng thống Trump.
Thẩm phán Coughenour đặt câu hỏi liệu con cái của người di cư bất hợp pháp nếu phạm tội có phải chịu trách nhiệm trước luật pháp Mỹ hay không. Luật sư Shumate trả lời họ "vẫn thuộc về quyền tài phán liên quan tới luật pháp Mỹ, nhưng không liên quan đến quyền công dân trong dân trong Tu chính án 14".
"Quyền công dân khác," ông Shumate nói.
"Tôi đã làm thẩm phán hơn 40 năm. Đây là một sắc lệnh vi hiến trắng trợn. Các luật sư ở đâu khi quyết định này được đưa ra?", thẩm phán Coughenour đáp.
Ngoài vụ kiện kể trên, 18 bang khác cùng hai thành phố San Francisco và Washington DC cũng đệ đơn kiện tại Tòa án Khu vực Liên bang ở Massachusetts, lập luận rằng quyền công dân theo nơi sinh theo Tu chính án 14 của Hiến pháp Mỹ là "tự động" và tổng thống hay Quốc hội Mỹ không có quyền hợp hiến để thay đổi.
Hoài An (SHTT)