Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ chối đưa ra bất cứ lời đảm bảo rằng chính trị gia đối lập Alexei Navalny sẽ sống sót rời khỏi nhà tù, với lý do việc bắt giữ và kết tội nhân vật này không thuộc quyết định của ông. Ngoài ra, ông Putin cũng đã lưu ý tình trạng chăm sóc y tế kém trong các nhà tù ở Nga.
Chính trị gia đối lập Navalny là một nhân vật được phương Tây quan tâm, và dự kiến vấn đề về nhân vật này cũng sẽ được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập tới trong cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin vào ngày 16/6 tới tại Geneva, Thụy Sĩ.
Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi với đài NBC (Mỹ) hôm 11/6, khi phóng viên đề cập tới 'số phận' của ông Navalny, nhà lãnh đạo Nga cho biết: "Ở đất nước của chúng tôi, đây không phải là vấn đề do tổng thống quyết định. Người có quyền quyết định thả tự do cho một ai đó là tòa án."
"Còn về vấn đề chăm sóc y tế, thì đó là chuyện của tất cả các tù nhân và quản lý nhà tù cần phải chịu trách nhiệm về điều này. Quả thực là có những trại giam có cơ sở y tế không tốt lắm, họ sẽ là những người phải chịu trách nhiệm", ông Putin nói.
Ông Putin từ lâu nay vẫn tránh gọi thẳng tên chính trị gia đối lập Navalny, và thay vào đó ông sử dụng cụm từ "người đó". Ông bày tỏ hy vọng rằng dịch vụ y tế trong nhà tù sẽ làm công việc của mình "đúng cách" nhưng nói thêm: "Thành thật mà nói tôi đã không đến thăm những nơi như vậy trong một thời gian dài."
Về cáo buộc Nga "đầu độc" ông Navalny và ám sát các nhân vật đối lập và những người bất đồng chính kiến với chính quyền, ông Putin khẳng định: "Chúng tôi không có thói quen ám sát bất kỳ ai như vậy."
Ngày 14/6, khi được đề nghị bình luận về phát biểu trên của ông Putin, Tổng thống Biden đã nói với các phóng viên: "Cái chết của Navalny sẽ là một dấu hiệu nữa cho thấy Nga có rất ít hoặc không có ý định tuân thủ các quyền cơ bản của con người."
Ông Biden cũng đã cảnh báo người đồng cấp Nga rằng nếu điều đó xảy ra, thì mối quan hệ của Nga và các quốc gia khác trên thế giới sẽ bị tổn hại: "Đó sẽ là một tấn thảm kịch. [Cái chết của Navalny] sẽ chỉ càng khiến mối quan hệ của Nga với thế giới, và với tôi, ngày càng tổn hại".
Việc chính trị gia đối lập Navalny bị bỏ tù và tình trạng sức khỏe của ông này ngày càng tồi tệ đã thêm dầu vào lửa trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Moskva và phương Tây.
Tuyên bố chung của NATO hôm 14/6 nhấn mạnh: "Các động thái gây hấn của Nga tạo thành mối đe dọa đối với an ninh Euro - Đại Tây Dương."
Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16/6, Nhà Trắng đã khẳng định rằng đây không phải là "phần thưởng" dành cho ông Putin hay đặt ông lên ngang hàng với Mỹ.
Thay vào đó, trên quan điểm của Mỹ, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo sẽ là một cuộc đánh giá mang tính kinh doanh về mối quan hệ song phương. Ông Biden sẽ nêu ra một số lo ngại cấp bách, nhưng cũng sẽ tìm kiếm các lĩnh vực mà hai nước Nga-Mỹ có thể hợp tác cùng nhau./.
Theo Hồng Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)