Trong phản ứng đầu tiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố những vụ không kích của Mỹ ở Syria hành động gây hấn với một quốc gia có chủ quyền.
"Tổng thống Putin cho rằng việc Mỹ không kích vào Syria là hành vi xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền, vi phạm những tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, và dựa trên một cái cớ không đúng sự thật", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Đây là lần đầu tiên Mỹ tấn công trực tiếp vào chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad kể từ khi nước này rơi vào nội chiến 6 năm trước. Ông Peskov cảnh báo cuộc không kích này sẽ ảnh hưởng đến cuộc chiến chống khủng bố đang diễn ra ở Syria.
'Syria không còn vũ khí hóa học'
Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định chính nước Nga đã giám sát quá trình Syria hủy bỏ vũ khí hóa học. "Syria không còn chúng nữa".
Trước khi Mỹ "dội mưa" tên lửa vào Syria, ông Peskov nói Nga không phải ủng hộ Syria "vô điều kiện", nhưng khăng khăng cần phải mở cuộc điều tra toàn diện về vụ tấn công bằng khí độc ở Syria trước khi Liên Hợp Quốc có hành động.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty. |
Phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc đã đề nghị triệu tập một cuộc họp khẩn tại Hội đồng Bảo an để thảo luận về vụ không kích của Mỹ. Trong khi đó, Moscow tuyên bố đình chỉ các thỏa thuận về liên lạc với phía Mỹ trong việc sử dụng không phận ở Syria.
Trước khi sự việc xảy ra, Nga và Mỹ duy trì liên lạc qua cơ chế "đường dây hóa giải xung đột" do quân đội Mỹ kiểm soát và điều hành từ căn cứ al-Udeid ở Qatar.
Cơ chế này nhằm bảo vệ phi công của cả 2 nước khi họ bay qua Syria, bảo đảm họ không tấn công nhầm vào nhau và tránh nguy cơ va chạm giữa không trung. Mỹ cũng đã thông báo cho Nga về vụ không kích Syria thông qua đường dây này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng vừa đưa ra phản ứng về vụ không kích của Mỹ. Bắc Kinh không chỉ trích trực tiếp mà kêu gọi các bên kiềm chế để "không làm tình hình xấu thêm".
Trung Quốc cũng nêu rõ nước này "lên án mọi vụ tấn công bằng vũ khí hóa học dù trong hoàn cảnh nào".
Đồng minh ủng hộ Mỹ
Đến nay, những nước đã tuyên bố ủng hộ việc Mỹ không kích Syria gồm Anh, Australia, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Saudi Arabia.
Chính phủ Anh tuyên bố "hoàn toàn ủng hộ" vụ không kích của Mỹ. "Chính phủ Anh ủng hộ hành động của Mỹ vì chúng tôi tin rằng đây là phản ứng thích đáng cho những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học man rợ mà chính quyền Syria đã tiến hành", người phát ngôn chính phủ Anh nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho rằng vụ không kích sẽ không mở ra một chiến dịch quân sự mới.
"Chúng tôi không thấy khả năng này. Mục tiêu tấn công chỉ là một sân bay, nhằm ngăn chặn chính quyền Syria tiếp tục tấn công bằng vũ khí hóa học. Đó không phải là khởi đầu cho một chiến dịch mới", ông Fallon nói.
Bộ trưởng Fallon cũng cho biết người đồng cấp Mỹ James Mattis đã trao đổi với ông về vụ tấn công trước khi tiến hành. "Sau đó, ông Mattis đã thông báo cho chúng tôi về quyết định của tổng thống Mỹ. Thủ tướng Anh luôn được cập nhật về các diễn biến mới".
Bộ Ngoại giao Iran cho rằng việc Mỹ tấn công bằng tên lửa đối với Syria là hành động "nguy hiểm và tiêu cực".
"Iran lên án việc sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng chúng tôi cũng tin rằng sự hành động đơn phương dựa là nguy hiểm và tiêu cực, vi phạm các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế. Iran lên án mạnh mẽ những vụ không kích đơn phương vì nó chỉ củng cố thêm sức mạnh cho các phần tử khủng bố ở Syria, làm phức tạp thêm tình hình tại nước này và trong khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran nói.
Mối tơ vò trong nội chiến Syria Trải qua nhiều năm xung đột với hàng loạt trận chiến đẫm máu và tranh cãi ngoại giao, cuộc nội chiến Syria vẫn chưa kết thúc do sự đan xen phức tạp về lợi ích giữa các bên. |
Theo Minh Anh (Tri Thức Trực Tuyến)