"Cuộc họp giữa Tổng thống Putin với chỉ huy các lực lượng tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine diễn ra trong suốt ngày hôm qua" - đài RT (Nga) dẫn thông tin từ Điện Kremlin hôm 17-12 nhưng không cung cấp địa điểm diễn ra cuộc họp.
"Nội dung cuộc họp chủ yếu xoay quanh tình hình tại Ukraine" - đài RT cho biết thêm - "Tổng thống Nga yêu cầu các chỉ huy quân sự đề xuất các kế hoạch ngắn hạn cũng như trung hạn về cuộc xung đột".
Sau cuộc họp chung với tất cả lực lượng, ông Putin làm việc riêng với từng chỉ huy của các cánh quân riêng lẻ.
Những bức ảnh do Điện Kremlin công bố cho thấy cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov và Tướng Sergey Surovikin, Tư lệnh lực lượng Nga tại Ukraine.
Một đoạn video được Điện Kremlin đăng trên Telegram có phát biểu của Tổng thống Putin trước các tướng lĩnh Nga. Tổng thống Putin nói: "Tôi muốn lắng nghe các chỉ huy trong từng lực lượng cụ thể và tôi muốn các chỉ huy hãy đưa ra giải pháp cả trong ngắn và trung hạn về chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine".
Cuộc họp diễn ra sau lời cảnh báo của ông Putin tuần trước rằng hoạt động quân sự ở Ukraine "có thể diễn ra lâu dài". Tuy nhiên, ông lưu ý Nga đã giành được những lợi ích lớn, đề cập đến tuyên bố sáp nhập các vùng của Ukraine hồi tháng 9. Ukraine và phương Tây đã lên án các cuộc trưng cầu này là bất hợp pháp.
Nhà lãnh đạo Nga tiếp tục giải thích rằng cuộc xung đột Ukraine thực sự bắt đầu từ năm 2014 khi Mỹ ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống dân cử Viktor Yanukovich. Sau đó, Pháp và Đức đã giúp đàm phán lệnh ngừng bắn giữa Kiev và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine nhưng lại không đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc.
Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine hôm 24-2. Cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ 10 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc.
Mỹ đáp trả tuyên bố của Nga về Patriot
Truyền thông Mỹ những ngày qua đưa tin Washington đang cân nhắc khả năng cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa Patriot. Ngay sau đó, phía Nga cảnh báo về "hậu quả khó lường" nếu Mỹ gửi tên lửa Patriot đến Ukraine.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Nga phải chịu trách nhiệm về những hành động ở Ukraine. "Các hành động khiêu khích được thực hiện trong toàn bộ cuộc xung đột này đều do Nga thực hiện" - Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói trong cuộc họp báo hôm 16-12 và nhấn mạnh - "Mỹ hiện tại không và cũng chưa từng xung đột với Nga".
Theo Bằng Hưng (Nld.com.vn)