Tổng thống Putin định thăm quần đảo tranh chấp với Nhật Bản

15/01/2024 10:06:19

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa hứa sẽ đến thăm nhóm đảo ngoài khơi phía bắc Nhật Bản, nơi lực lượng Liên Xô giành quyền kiểm soát trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II nhưng Tokyo vẫn tuyên bố chủ quyền.

Tổng thống Putin định thăm quần đảo tranh chấp với Nhật Bản
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AP)

Trong cuộc họp tại vùng Khabarovsk được phát sóng trên truyền hình nhà nước ngày 11/1, ông Putin trả lời câu hỏi về việc đến thăm Quần đảo Kuril , nơi Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phía Bắc.

“Tôi nghe nói rằng (Quần đảo Kuril) rất thú vị, nhưng tiếc là tôi chưa bao giờ đến đó… Vậy chắc chắn tôi sẽ đi”, ông nói.

Trả lời một câu hỏi khác về khả năng phát triển ngành du lịch trên quần đảo, nhà lãnh đạo Nga cho biết đây sẽ là “hướng đi đúng đắn”. Ông cho biết, một lĩnh vực tiềm năng sẽ là hiện đại hóa sân bay trên đảo Kunashiri.

Trước năm 1945, Tokyo kiểm soát nhóm các đảo Kunashiri, Shikotan, Etorofu và Habomai, nơi sinh sống của cộng đồng nông dân và ngư dân Nhật Bản. Hầu hết những cư dân đó đều bị trục xuất sau khi lực lượng Liên Xô đổ bộ vào ngày 18/8, chỉ 3 ngày sau khi Nhật Bản đầu hàng để chấm dứt chiến tranh.

“Tôi không tin việc ông Putin thăm quần đảo sẽ khiến mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn hiện tại, nhưng chúng ta sẽ phải theo dõi xem ông ấy sẽ làm gì và khi nào ông ấy đến”, ông Ryo Hinata Yamaguchi, trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Tokyo, nói với báo SCMP .

“Nếu ông Putin đến đó và nhắc lại rằng quần đảo là lãnh thổ của Nga, điều đó không khác mấy so với những gì đã nói trước đó. Điều quan trọng là ông ấy có đưa ra đề xuất hoặc ra chỉ đạo phát triển cụ thể các đảo hay không”, ông Yamaguchi nói.

Việc xây dựng cảng, sân bay hoặc cơ sở quân sự lớn trên đảo, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để nâng cao khả năng phát triển kinh tế của khu vực sẽ bị coi là thay đổi nguyên trạng.

Nhà nghiên cứu này nhận xét: “Tôi thấy những bình luận của ông Putin có vẻ để thu hút dư luận trong nước, để cho người dân Nga thấy rằng họ không lùi bước trước phương Tây và họ hoàn toàn có thể đứng lên khi đối đầu ở Thái Bình Dương”.

Ông James Brown, giáo sư chuyên nghiên cứu về quan hệ Nhật-Nga tại Đại học Temple ở Tokyo, cho rằng kế hoạch thăm quần đảo tranh chấp của ông Putin là nhằm "trả đũa" Nhật Bản.

Từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine , Nhật Bản đã áp đặt một số lệnh trừng phạt Nga và hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine. Nga đáp trả bằng cách đưa Nhật Bản vào danh sách "quốc gia không thân thiện", chấm dứt đàm phán hiệp ước hòa bình và cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản.

“Mỗi lần Nhật Bản hỗ trợ thêm cho Ukraine, Nga lại cảm thấy phải đáp trả và tìm cách chọc tức Nhật Bản”, GS Brown nói.

Ngoại trưởng Yoko Kamikawa đến thăm Ukraine trong tuần này để gặp Tổng thống Volodymir Zelensky và nhắc lại sự hỗ trợ của Tokyo.

“Thông điệp của Nga là bất cứ điều gì Nhật Bản làm sẽ dẫn đến hậu quả”, GS Brown nói.

Các quan chức Nga và Nhật Bản tiến hành một số cuộc đàm phán về chủ quyền đối với quần đảo trong mấy thập kỷ qua, nhưng không đạt được giải pháp nào.

Có những thời điểm Nhật Bản có vẻ đạt được tiến bộ đáng kể nhằm giành lại quyền kiểm soát quần đảo, đặc biệt là vào năm 2013, khi Thủ tướng Shinzo Abe lúc đó gặp Tổng thống Putin tại Mátxcơva để bàn về vấn đề này, nhưng rút cục không đạt được thỏa thuận nào.

Kết quả là hai nước chưa bao giờ ký hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt chiến tranh.

Từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, khả năng hai bên đạt được tiến triển trong vấn đề này bị dập tắt. Tokyo khiến Mátxcơva giận dữ với việc hỗ trợ Ukraine và liên minh quốc tế hậu thuẫn Kiev.

Tháng 3/2022, Nga tuyên bố sẽ rút khỏi tiến trình đàm phán hiệp ước hòa bình và phát triển kinh tế chung trên quần đảo để trả đũa các lệnh trừng phạt của Nhật Bản. Cũng trong tháng đó, Nga huy động 3.000 binh lính tiến hành tập trận trên quần đảo.

Theo Bình Giang (Tiền Phong)

Nổi bật