Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua 27/5 cảnh báo có thể đặt Ba Lan và Romania trong tầm ngắm tên lửa vì cho phép Mỹ triển khai lá chắn tên lửa mà Moscow cho rằng đe dọa an ninh của Nga.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, ông Putin nói: “Nếu như hôm qua Romania còn chưa biết trong tầm ngắm là như thế nào thì hôm nay chúng tôi sẽ buộc phải triển khai các biện pháp nhất định để đảm bảo an ninh của mình. Điều này cũng tương tự với Ba Lan”.
Ông không nêu rõ những biện pháp mà Nga có thể áp dụng nhưng khẳng định rằng Nga sẽ không hành động trước mà chỉ đáp trả lại các động thái từ Mỹ. “Chúng tôi sẽ không hành động cho tới khi phát hiện tên lửa từ các nước láng giềng của chúng tôi”, người đứng đầu Kremlin nhấn mạnh.
Những cảnh báo trên được đưa ra sau khi hồi đầu tháng này Mỹ kích hoạt lá chắn tên lửa ở Romania và tiếp đến là kích hoạt lá chắn ở Ba Lan - một phần trong hệ thống phòng thủ của Mỹ ở châu Âu. Địa điểm cuối cùng tại Ba Lan dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2018, hoàn thành tuyến phòng thủ vốn được khởi động gần 10 năm trước.
Khi hoàn thành, chiếc ô phòng vệ sẽ bao phủ từ Greenland tới quần đảo Azores (thuộc Bồ Đào Nha) trên Đại Tây Dương. Toàn bộ lá chắn tên lửa cũng bao gồm các tàu và radar trên khắp châu Âu. Nó sẽ được bàn giao cho NATO vào tháng 7, với việc căn cứ không quân của Mỹ tại Đức sẽ kiểm soát và chỉ huy. Mặc dù Mỹ nói rằng hệ thống này là “vô hại” với Nga và chỉ nhằm phòng thủ trước nguy cơ tấn công tên lửa từ Iran và các nước Trung Đông, thì Nga lo ngại đe dọa đến an ninh quốc gia của họ.
Ông Putin nói rằng, việc Mỹ viện cớ lá chắn để chống lại Iran là “vô nghĩa” bởi hiện tại các nước đã đạt được một thỏa thuận ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi đó, theo ông, các tên lửa này có thể dễ dàng bắn tới các thành phố của Nga. “Chúng tôi đã phải nhắc đi nhắc lại rằng chúng tôi buộc phải đáp trả. Nhưng không ai lắng nghe, không ai muốn đối thoại”, ông Putin nói.
"Hiện giờ, các tên lửa đánh chặn này có tầm bắn khoảng 500km, nhưng trong tương lai sẽ là 1.000 km và thậm chí 2.400km, điều này có thể thực hiện dễ dàng bằng cách chuyển đổi phần mềm mà chính người Romania cũng sẽ không biết. Chúng tôi đủ năng lực để đáp trả. Cả thế giới đã thấy tên lửa tầm trung của chúng tôi có năng lực như thế nào ở Syria. Nhưng chúng tôi không vi phạm thỏa thuận", ông Putin nói.
Theo thỏa thuận giữa Nga và Mỹ, hai bên nhất trí không phát triển và triển khai tên lửa có tầm bắn từ 500km đến 5.500km.
Theo Minh Phương (Dân Trí)