Công báo sáng 15/4 của Pháp cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chính thức ký ban hành Dự luật cải cách hưu trí gây tranh cãi và tạo ra các làn sóng phản đối mạnh mẽ trong các tầng lớp xã hội Pháp kéo dài từ hơn 3 tháng qua.
Động thái của ông Macron diễn ra ngay sau khi Hội đồng Hiến pháp nhất trí thông qua phần lớn nội dung dự luật cải cách hưu trí của chính phủ chỉ vài giờ trước đó.
Tổng thống Pháp Macron cũng đã bỏ qua lời kêu gọi hoãn ban hành đạo luật này để tiếp tục thảo luận tại Quốc hội từ phía các lực lượng đối lập và các nghiệp đoàn lao động lớn nhất của Pháp để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.
Trong văn bản thông qua cuối cùng, Dự luật cải cách hưu trí vẫn giữ được những nội dung quan trọng nhất là nâng độ tuổi về hưu từ 62 lên 64 tuổi từ năm 2030, kéo dài thời gian làm việc lên 43 năm (tương đương với 172 quý), nâng lương hưu tối thiểu lên 1.200 euro/tháng hoặc tương đương 85% mức lương tối thiểu (SMIC) hiện hành, chấm dứt các chế độ hưu trí đặc biệt đối với một số ngành nghề nặng nhọc như đường sắt, ngân hàng, điện, năng lượng…
Việc Tổng thống Pháp Macron nhanh chóng ký ban hành Luật cải cách hưu trí mới đã gây ra những phản ứng trái chiều mạnh mẽ.
Lãnh đạo các đảng đối lập cho rằng sự vội vàng của ông Macron đi ngược lại nền dân chủ Pháp và là hành động “đánh cắp” cuộc sống của người dân lao động, đẩy nước Pháp lún sâu vào chia rẽ.
Các nghiệp đoàn lao động lớn của Pháp tuyên bố từ chối lời mời đối thoại từ Tổng thống Macron vào ngày 18/4 tới, tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh và phát động một cơn “sóng thần” đình công và tuần hành phản đối với quy mô lớn nhất từ trước đến nay vào ngày quốc tế lao động 1/5 tới.
Trong khi đó, hàng loạt cuộc biểu tình tự phát đã đồng loạt diễn ra trên khắp nước Pháp từ chiều tối ngày hôm qua để phản đối việc ban hành luật cải cách hưu trí mới./.
Theo Mạnh Hà (Vov.vn)