Tổng thống Vladimir Putin ngày 16/11 chính thức ký sắc lệnh rút Nga khỏi quy chế thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) - tổ chức thường trực chịu trách nhiệm xét xử tội phạm chiến tranh đầu tiên trên thế giới.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 16/11 cho biết nước này chính thức rút khỏi Quy chế Rome về việc thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế theo mệnh lệnh của Tổng thống Vladimir Putin. Năm 2000, Nga đã ký tham gia Quy chế Rome để thành lập ICC nhưng chưa bao giờ phê chuẩn quy chế này.
“Tòa ICC không đạt được kỳ vọng (của Nga) và cũng không trở thành một cơ chế công lý quốc tế thực sự độc lập”, thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, đồng thời mô tả hoạt động của ICC mang tính “một chiều và thiếu hiệu quả”.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, cho biết việc rút lui của Moscow là phù hợp với lợi ích quốc gia, hơn nữa Nga chưa bao giờ phê chuẩn Quy chế Rome nên sắc lệnh được đưa ra ngày hôm nay chỉ mang tính hình thức.
Nga cho biết nước này không hài lòng với phán quyết của ICC về cuộc chiến tranh ngắn ngủi giữa Nga và Gruzia hồi năm 2008. Moscow cho rằng ICC đã lờ đi hành động gây hấn của Gruzia nhằm chống lại dân thường ở Nam Ossestia - khu vực thân Nga và ly khai khỏi Gruzia.
Sắc lệnh của Tổng thống Putin được đưa ra một ngày sau khi Ủy ban Nhân quyền của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phê chuẩn một phán quyết lên án sự “chiếm đóng tạm thời” của Nga đối với Crimea và cáo buộc lạm dụng nhân quyền của Nga tại Crimea. Trước đó, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình hồi năm 2014 và vấp phải sự chỉ trích dữ dội của phương Tây về động thái này.
Theo Thành Đạt (Dân Trí)