“Lạm dụng quyền lực”
“Chúng ta đứng đây hôm nay vì việc Tổng thống tiếp tục lạm quyền khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Việc không làm gì khiến chúng ta trở thành đồng lõa với hành vi lạm dụng quyền lực, lòng tin của người dân và an ninh quốc gia của Tổng thống” - ông Jerry Nadler, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, phát biểu khi công bố 2 điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump hôm nay.
Tuyên bố được ông Nadler đưa ra khi đứng cùng các lãnh đạo khác của đảng Dân chủ tại Hạ viện trong cuộc họp báo công bố 2 điều khoản luận tội Trump, gồm lạm quyền và cản trở Quốc hội.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện cho rằng hành vi lạm quyền có thể bị luận tội vì Tổng thống Trump đã sử dụng quyền lực của mình để thu lại lợi ích cá nhân không đúng đắn, đồng thời phớt lờ hoặc làm tổn hại lợi ích quốc gia. “Đó chính xác là điều Tổng thống Trump đã làm khi ông mời chào và gây sức ép với Ukraine để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020” - ông Nadler nói.
Điều khoản thứ hai đề cập tới việc Tổng thống Mỹ cản trở Quốc hội. “Một Tổng thống tuyên bố bản thân đứng trên nghĩa vụ của mình, trên người dân Mỹ và quyền luận tội của Quốc hội, chức năng giúp bảo vệ những mối đe dọa tới nền dân chủ, đồng nghĩa với việc ông ấy coi bản thân đứng trên pháp luật” - ông Nadler cho hay.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff cho biết việc Trump “không ngừng lạm dụng quyền lực” khiến phe Dân chủ không còn lựa chọn nào khác. “Bằng chứng về các hành vi của Tổng thống quá chắc chắn và không thể chối cãi” - ông Schiff cho hay.
Sau động thái trên, ông Trump trở thành Tổng thống thứ tư trong lịch sử Mỹ phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội. Nếu các cáo buộc được Hạ viện bỏ phiếu thông qua vào tuần tới, ông sẽ trở thành Tổng thống Mỹ thứ ba bị luận tội và trình diện trong phiên tòa tại Thượng viện.
Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra luận tội ông Trump hồi tháng 9 năm nay, sau khi một người tố giác giấu tên đệ đơn cáo buộc Tổng thống thúc giục Ukraine điều tra cha con cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ của ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Hai đảng chuẩn bị cho vòng bỏ phiếu
Bước đầu tiên để mang 2 điều khoản luận tội ra bỏ phiếu tại Hạ viện là chúng phải được thông qua bởi Ủy ban Tư pháp. Thời điểm dự kiến để thực hiện bước đi này có thể là vào thứ Năm trong tuần, khi mà Quốc hội tạm ngừng hoạt động. Do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện - cũng như phần lớn các ủy ban trong Hạ viện - việc thông qua các điều khoản luận tội chắc chắn không gặp khó khăn.
Ngay sau khi 2 điều khoản luận tội được công bố, cả hai đảng đã bắt đầu vận dụng mọi thứ trong quyền lực của họ để giữ được sự đoàn kết trong nội bộ, cùng lúc tìm cách lần ra những thành viên có khả năng bị phe đối diện lôi kéo. Điều này là bởi, chỉ cần vài lá phiếu từ một trong hai chính đảng ủng hộ phe đối diện là có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong các vòng bỏ phiếu kiểu này.
Vấn đề lớn hơn với đảng Dân chủ hiện nay chính là các thành viên trung dung trong đảng của họ, và những thành viên thuộc các khu vực mà ông Trump từng giành chiến thắng trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2016. Đây là những người tiềm ẩn rủi ro “phản bội” lớn nhất, bởi họ chịu sức ép phải bỏ phiếu chống lại các điều khoản luận tội.
Hiện có tới 31 ghế đại diện khu vực thuộc về phe Dân chủ nhưng lại là các khu vực mà ông Trump giành chiến thắng trong kỳ bầu cử năm 2016. Trong thời gian tới đây, nhóm này sẽ là mục tiêu tranh giành giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Mục tiêu của đảng Dân chủ hiện nay là thu hẹp sự “phản bội” trong đảng. Trong cuộc bỏ phiếu điều khoản luận tội sắp tới, nếu như có 10 thành viên trong nhóm dễ “phản bội” của đảng Dân chủ quay sang bỏ phiếu chống, thì đó sẽ là một đòn chí mạng đối với đảng này.
Theo Khánh Duy (Daidoanket.vn)