Madagascar cùng 142 quốc gia khác đã bỏ phiếu lên án Mátxcơva về việc “sáp nhập bất hợp pháp” các khu vực ly khai của Ukraine trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần trước.
Trước đó, Madagascar đã bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết của Liên Hợp Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, do Tổng thống Rajoelina chọn duy trì thái độ trung lập.
Nghị quyết mới nhất đã phủ nhận kết quả các cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9, trong đó cư dân 4 khu vực ly khai của Ukraine là Kherson, Zaporozhye và các nước Cộng hòa Donetsk – Lugansk tự xưng bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập Nga. Cuộc bỏ phiếu được tiến hành sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc từ chối yêu cầu của Nga về việc sử dụng phiếu kín.
Giống như nhiều quốc gia châu Phi khác, Madagascar đã bất chấp áp lực của phương Tây và duy trì thái độ trung lập, không chọn phe trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Hơn một nửa trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng tuần trước là quốc gia châu Phi. Các quốc gia bỏ phiếu phản đối nghị quyết là Nga, Belarus, Syria, Triều Tiên và Nicaragua.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất các chiến thuật gây áp lực của Washington. Trong chuyến thăm Nhà Trắng vào tháng trước, ông kêu gọi quan chức Mỹ không "trừng phạt" các quốc gia châu Phi bằng cách ép buộc họ cắt đứt quan hệ với Nga. Hồi đầu năm nay, ông Ramaphosa tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể tránh được nếu NATO chú ý đến các cảnh báo chống lại sự bành trướng về phía Đông của khối này.
Madagascar có quan hệ ngoại giao với Mátxcơva từ năm 1972. Nước này đã đạt được thỏa thuận tăng cường quan hệ quốc phòng với Nga vào tháng 3, một tháng sau khi Mátxcơva khai màn chiến dịch ở Ukraine. Thỏa thuận này bao gồm bán vũ khí, huấn luyện quân sự, bảo trì thiết bị và hợp tác phát triển các sản phẩm quốc phòng.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)