"Thật khủng khiếp. Điều đó hoàn toàn thái quá và dựa trên báo cáo mới nhất mà tôi nhận được, rất nhiều người đã bị sát hại một cách không cần thiết", tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức lên tiếng sau khi được thông báo có hơn 100 người biểu tình thiệt mạng, trong đó có ít nhất 7 trẻ em.
Ngày 27/3 đã trở thành ngày đẫm máu nhất kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành đảo chính chiếm quyền điều hành đất nước. Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, đã có tổng cộng 114 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và quân đội.
Khi được hỏi về những biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ, ông Biden cho biết: "Chúng tôi đang làm việc về vấn đề này đây." Đồng thời, tổng thống Mỹ cũng cho biết Washington đang nỗ lực gia tăng sức ép bằng những biện pháp trừng phạt.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu gọi tình trạng bạo lực chết chóc ở Myanmar là “không thể chấp nhận được”.
“Thay vì tổ chức các hoạt động kỷ niệm, quân đội Myanmar lại biến 27.3 thành ngày của sự kinh hoàng và đáng hổ thẹn”, người đứng đầu chính sách ngoại giao EU Josep Borrell lên tiếng
Bộ trưởng Quốc phòng của 12 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản và Australia, cùng ngày cũng kêu gọi quân đội Myanmar ngừng sử dụng bạo lực, cũng như nỗ lực khôi phục sự tôn trọng và niềm tin của người dân, điều mà lực lượng này đã đánh mất sau những hành động bạo lực.
"Một quân đội chuyên nghiệp cần tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về ứng xử và có trách nhiệm bảo vệ - không làm tổn hại - tới những người mà quân đội phục vụ. Chúng tôi kêu gọi quân đội Myanmar ngừng các hành động bạo lực và khôi phục sự tôn trọng cũng như tín nhiệm đối với người dân Myanmar mà lực lượng này thời gian qua đã đánh mất," tuyên bố chung cho biết.
SCMP đưa tin, theo một nhóm giám sát địa phương, số người chết vì các cuộc biểu tình kể từ ngày xảy ra chính biến tính tới nay ít nhất đã là 423 người.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)