Theo CNN, Tổng thống Morales đã tuyên bố từ chức ngày 10/10 sau khi bị phản đối dữ dội vì kết quả cuộc bầu cử ngày 20/10 được một tổ chức nước ngoài đánh giá là không hợp lệ do “những sự bất thường nghiêm trọng”.
Các cuộc biểu tình chết người nổ ra sau khi ông Morales – nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở Mỹ Latinh, tuyên bố giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư. Hàng loạt vụ đụng độ sau đó xảy ra khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Các trường học, doanh nghiệp bị đóng cửa và giao thông công cộng bị đình trệ. Lần tái đắc cử của ông Morales cũng làm dấy lên cáo buộc gian lận và gây chia rẽ giữa các lực lượng an ninh.
Ông Morales cho biết ông xuống chức là vì muốn tốt cho Bolivia trong bối cảnh nước này chìm trong biểu tình suốt vài tuần qua và đã khiến 3 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
“Tôi cảm thấy nuối tiếc sâu sắc”, ông Morales phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, nói thêm rằng ông sẽ gửi thư từ chức tới Quốc hội trong vài giờ tới.
Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) hôm 10-11 đưa ra báo cáo sơ bộ cho thấy "sự thao túng dữ liệu trên diện rộng" và "không thể xác minh kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ở Bolivia". Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngày lên tiếng ủng hộ báo cáo của OAS. Ông đề nghị tổ chức cuộc bầu cử mới ở Bolivia để đảm bảo bầu ra "một đại diện dân chủ thực sự của người dân".
Ông Morales, 60 tuổi, nắm chức vụ tổng thống từ năm 2006, sau đó giành chiến thắng trong hai cuộc bầu cử tiếp theo một cách dễ dàng. Ông Morales là người "mở đường", giúp Bolivia phóng vệ tinh đầu tiên lên vũ trụ và kiềm chế lạm phát.
Lời kêu gọi ông Morales từ chức bắt đầu nóng lên vào cuối tuần qua. Ngày 9/10, người đứng đầu lực lượng vũ trang Bolivia Williams Kaliman tuyên bố các lực lượng do ông quản lý sẽ không ngăn chặn người biểu tình. Một ngày sau đó, ông Kaliman kêu gọi ông Morales từ chức để khôi phục lại hòa bình và ổn định.
Sau đó, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Bolivia Vladimir Yuri Calderon cũng kêu gọi ông Morales từ chức.
QT (SHTT)