Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken xác nhận một số thỏa thuận bán vũ khí đang được xem xét lại. “Mục đích là để đảm bảo rằng các thỏa thuận thúc đẩy các mục tiêu chiến lược và chính sách đối ngoại của chúng tôi”, ông Blinken nói.
Theo quan chức trên, việc rà soát lại các hợp đồng vũ khí là hoạt động "hành chính thông thường" trong hầu hết quá trình chuyển giao quyền lực, nhằm thể hiện mục tiêu chiến lược của Mỹ trong việc xây dựng các đối tác an ninh mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu rõ thỏa thuận nào bị tạm dừng. Tuy nhiên, theo Bloomberg, các hợp đồng bán vũ khí cho Ả rập Xê út và máy bay chiến đấu F-35 cho UAE nằm trong số các thỏa thuận này.
Vài giờ trước khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hôm 20/1, UAE đã ký một thỏa thuận với Mỹ để mua 50 máy bay F-35 và 18 máy bay không người lái được trang bị vũ khí.
Dưới thời cựu Tổng thống Trump, Mỹ đã thông qua hàng loạt thương vụ vũ khí trị giá hàng tỷ USD với các đồng minh ở vùng Vịnh như Ả rập Xê út, Jordan, UAE trong một nỗ lực nhằm "chống lại hành vi thù địch của Iran" tại khu vực.
Người sắp nhậm chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Bob Menendez, hoan nghênh quyết định của ông Biden vì cho rằng “chính quyền Donald Trump đã quá vội vàng mà không xem xét kỹ lưỡng tác động đối với an ninh quốc gia Mỹ và bảo vệ sinh mạng người dân vô tội ở Yemen”.
“Tôi mong muốn chính quyền Biden sẽ cân nhắc kỹ lưỡng những ảnh hưởng từ các thỏa thuận bán vũ khí này và tham vấn với Quốc hội”, ông Menendez nói.
Đức Minh (nguoiduatin.vn)