Ngày 10-4, Tổng thống Ai Cập, Abdul Fattah al-Sisi đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng sau các cuộc tấn công của IS vào 2 nhà thờ Coptic ở Tanta và Alexandria, khiến ít nhất 44 người thiệt mạng.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) đã tuyên bố chúng đứng sau các vụ tấn công tại Tanta và Alexandria hôm 9-4. Theo truyền thông Ai Cập, IS đã cảnh báo về các cuộc tấn công khác trong thời gian tới.
Sau 2 vụ nổ, Tổng thống Sisi đã đưa ra “một bài diễn văn đầy thách thức” tại dinh tổng thống sau cuộc họp của hội đồng bảo vệ quốc gia.
Trong bài diễn văn, ông Sisi nhấn mạnh rằng, cuộc chiến tranh chống lại những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan sẽ “lâu dài, đau đớn và có nhiều hi sinh mất mát”. Đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ sớm được thông qua, có hiệu lực trong thời gian tới bởi đa số các Nghị sĩ trong nghị viện đều ủng hộ biện pháp này.
Tổng thống Ai Cập đã triển khai quân đội trên khắp đất nước để đảm bảo an ninh |
Trước đó, Tổng thống Sisi đã yêu cầu triển khai quân đội trên khắp đất nước để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng.
IS cho biết, 2 chiến binh thánh chiến đã thực hiện 2 vụ đánh bom tự sát này. Vụ nổ đầu tiên nhắm mục tiêu vào nhà thờ Coptic ở thành phố Tanta, phía bắc, Ai Cập khiến 27 người thiệt mạng. Nhiều giờ sau, cảnh sát đã ngăn chặn một kẻ đánh bom khác ở nhà thờ Coptic, Alexandria, Bắc Ai Cập. Vụ nổ đã xảy ra bên ngoài nhà thờ khiến 17 người chết, trong đó có các sĩ quan cảnh sát và hàng chục người bị thương.
Reuters trích dẫn tuyên bố của nhóm thánh chiến IS rằng: “Những người tin vào Chúa và người thân của họ phải biết rằng, mối thù giữa chúng tôi và họ rất lớn và họ sẽ phải trả giá bằng chính dòng máu của con cái họ, Chúa hãy đợi chúng tôi”.
Các vụ đánh bom xảy ra trùng hợp với một trong những ngày thiêng liêng nhất trong lịch Christian. Đồng thời chúng cũng xảy ra vài tuần trước chuyến thăm dự kiến của Đức giáo hoàng Phanxicô, nhằm mục đích chứng tỏ sự ủng hộ của những người theo Kito giáo ở nước này, chiếm khoảng 10% dân số của Ai Cập. Họ là những người từ lâu đã phải chịu sự tổn thương và bị gạt ra khỏi xã hội Ai Cập, chủ yếu theo đạo Hồi.
Theo Sebastian Usher, phóng viên của BBC tại Ai Cập, mọi người đều ý thức được rằng, tình trạng gia tăng bạo lực ở quốc gia Hồi giáo này đang tăng lên trong những năm gần đây do sự phát triển của IS. Theo đó, sự tin tưởng của cộng đồng đối với khả năng bảo vệ của chính phủ bị lung lay sâu sắc hơn vụ việc hôm 9-4.
Trong khi đó, biện pháp của ông Sisi có thể làm tăng mối quan ngại giữa các nhà hoạt động nhân quyền. Bởi trước kia, Tổng thống Sisi, đã bị các nhóm trong nước và quốc tế chỉ trích vì những hạn chế nghiêm trọng về quyền dân sự và chính trị ở Ai Cập.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, hàng chục ngàn người đã bị bắt trong cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến. Lực lượng an ninh cũng đã vi phạm nhân quyền với những hành động thô bạo, tra tấn, các cáo buộc mất tích và những hành động phi pháp.
Theo Thu Huyề (An Ninh Thủ Đô)