Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên, tướng Ri Yong-gil bất ngờ vắng mặt trong các sự kiện lớn với sự hiện diện của lãnh đạo Kim Jong-un gần đây, làm dấy lên tin đồn về số phận ông này.
|
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Triều Tiên Ri Yong-gil (thứ hai từ trái sang, sau lưng ông Kim Jong-un) trong 1 buổi làm việc với nhà lãnh đạo Kim Jong-un - Ảnh: Reuters |
Tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) ngày 17.8 cho hay ông Ri Yong-gil đã vắng mặt trong 2 sự kiện quan trọng gần đây là lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Triều Tiên (ngày kết thúc Thế chiến thứ 2) và chuyến viếng thăm cung điện Mặt trời Kumsusan, nơi đặt thi hài của Chủ tịch Kim Nhật Thành và nhà lãnh đạo Kim Jong-il (Kim Chính Nhật).
Hai sự kiện trên đều có sự tham gia của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các quan chức cao cấp khác. Tuy nhiên, tên của Tổng Tham mưu trưởng Ri Yong-gil không được nhắc đến trong bản tin của Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) và ông cũng không xuất hiện trong bất kỳ bức ảnh nào được chụp cùng ông Kim Jong-un, theo Chosun Ilbo.
Ông Ri Yong-gil đảm nhận chức Tổng Tham mưu trưởng được 2 năm nay. Không chỉ ông Ri Yong-gil, cả Tổng cục trưởng Tổng cục trinh sát Kim Yong-chol cũng “biến mất” một cách bất thường trong 2 sự kiện trọng đại của Bình Nhưỡng, nơi mà các tướng lĩnh, “quan nhất phẩm” không thể vắng mặt với bất kỳ lý do nào ngoại trừ lâm bệnh nặng.
Theo Chosun Ilbo, 2 vị tướng này xuất hiện lần cuối cùng trước công chúng vào hôm 27.7, trong sự kiện mừng "Ngày Chiến thắng”, tức ngày đình chiến trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (27.7.1953). Sự vắng mặt của 2 quan chức này trong các sự kiện quan trọng làm nhiều người đặt nghi vấn về sự "thanh trừng" đối với 2 ông.
Chính phủ Triều Tiên và Hàn Quốc đang "đấu khẩu" nhau liên quan đến vụ nổ mìn ở làng Bàn Môn Điếm về phía Hàn Quốc, thuộc khu phi quân sự giữa hai nước, làm 2 sĩ quan Hàn Quốc bị thương. Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đứng sau vụ nổ này trong khi Bình Nhưỡng bác bỏ mọi cáo buộc.
Giới theo dõi tình hình Triều Tiên tin rằng cả 2 ông Ri và Kim đang bận rộn giải quyết hậu sự của vụ nổ mìn, sự kiện khiến Seoul sử dụng lại loa phóng thanh biên giới để tuyên truyền, đả kích Bình Nhưỡng. Tuyên truyền bằng loa phóng thanh đã không được Hàn Quốc sử dụng trong hàng chục năm nay.
“Không có dấu hiệu nào cho thấy ông Ri và Kim bị cách chức. Có thể 2 ông này được điều động để chuẩn bị cho một cuộc khiêu khích quân sự tiếp theo của Triều Tiên”, Chosun Ilbo trích nhận định của một nhà nghiên cứu.
>> Tình báo Hàn Quốc tấn công "điểm yếu" của Kim Jong Un thế nào?
Theo M.Quang (Thanh Niên Online)